Phía sau sự tái diễn xung đột Armenia - Azerbaijan

Tuần trước, lực lượng Azerbaijan đã pháo kích vào sâu trong lãnh thổ Armenia, kéo theo các cuộc tấn công trả đũa và kết thúc sau khoảng 2 ngày. Hàng loạt các nỗ lực hòa giải của quốc tế ngay lập tức được triển khai sau đó.

Cuộc hội đàm 3 bên giữa Azerbaijan, Armenia và nước trung gian Mỹ diễn ra tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 19/9. Ảnh: REUTERS

Cuộc hội đàm 3 bên giữa Azerbaijan, Armenia và nước trung gian Mỹ diễn ra tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 19/9. Ảnh: REUTERS

Đầu tuần này tại thành phố New York, Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiếp đón Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov để làm trung gian trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nước kể từ vụ đụng độ mới nhất khiến ít nhất 170 người thiệt mạng.

Tại cuộc hội đàm 3 bên, Ngoại trưởng Mỹ đã gửi lời chia buồn về thiệt hại nhân mạng trong cuộc xung đột và khẳng định sự cần thiết phải ngăn chặn các hành động thù địch. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quay trở lại tiến trình hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, ngoại trưởng 3 nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về các bước tiếp theo nhằm đạt được sự ổn định, hòa bình. Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ khuyến khích Armenia và Azerbaijan tiếp tục tiến hành một cuộc hội đàm khác vào cuối tháng này. Bộ Ngoại giao Armenia công bố, tại cuộc hội đàm 3 bên, Ngoại trưởng Armenia kêu gọi các lực lượng vũ trang Azerbaijan rút khỏi lãnh thổ Armenia và kêu gọi sự vào cuộc hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn bạo lực leo thang. Trong khi đó, Ngoại trưởng Azerbaijan chia sẻ trước truyền thông quốc tế rằng, cuộc đối thoại trực tiếp này là điều cần thiết và Azerbaijan luôn sẵn sàng, cởi mở trong các hoạt động đàm phán.

Bình luận về sự tái diễn xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, trong nhiều thập kỷ, hai quốc gia này luôn căng thẳng trong vấn đề lãnh thổ tranh chấp khu vực Nagorno - Karabakh. Cao trào trong căng thẳng Armenia - Azerbaijan là cuộc chiến kéo dài khoảng 6 tuần vào năm 2020 (27/9/2020 - 10/11/2020) khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Sau đó, Azerbaijan được đánh giá là đã giành được những lợi ích đáng kể về lãnh thổ.

Trong 2 năm qua, xung đột giữa hai nước vẫn luôn âm ỷ và tái phát nhiều lần nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong lần tái diễn xung đột vào ngày 12 và 13/9 vừa qua là nghiêm trọng nhất khi khiến 170 người thiệt mạng ở cả hai bên, hơn hết là nhen nhóm sự leo thang vũ lực đáng lo ngại.

Giới quan sát cho rằng, mỗi quốc gia đều đổ lỗi cho nhau về hành động khiêu khích và rất khó để định hình đúng hay sai. Song, việc cả hai bên nhất trí gác lại vũ lực và tham gia đối thoại là một động thái tích cực, phần nào cho thấy hiệu lực của các nỗ lực quốc tế. Như lời Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, đối thoại đang được Mỹ khuyến khích và thực tế giao tranh, cũng như các hoạt động quân sự đã không còn.

Ở góc độ đối lập, nhiều học giả chính trị khu vực cho rằng, việc hai nước bùng phát xung đột vừa qua cho thấy, những tác động từ quốc tế có những “kẽ hở” và vẫn còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ xung đột lan rộng. Hãng truyền thông Politico (Đức) bình luận, trong căng thẳng Armenia - Azerbaijan kéo dài hàng thập kỷ qua, Liên minh châu Âu (EU) được xem là một trung gian có tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc EU ngày càng liên kết sâu rộng về năng lượng với quốc gia giàu khí đốt Azerbaijan đang khiến khả năng hòa giải của Khối bị giảm hiệu lực, mất niềm tin.

Tương tự, các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn tới Azerbaijan và Armenia thời gian qua cũng bị đánh giá là suy giảm khả năng chi phối tới hai quốc gia này. Những yếu tố này được giới học giả nhìn nhận là một trong những nguyên nhân căn bản khiến xung đột giữa hai nước khó được “dập tắt” hoàn toàn.

Mặt khác, nhiều học giả nhận định, yếu tố địa lý của Azerbaijan và Armenia tương đối nhạy cảm khi ở điểm phân cực giữa các thế lực cạnh tranh lợi ích, địa chính trị. Trong đó, mỗi thế lực hậu thuẫn cho một nước. Tổng thể, ở một số trường hợp tiêu cực nhất định, Azerbaijan và Armenia trở thành “quân cờ” trong một cuộc đối đầu lợi ích.

Hướng tới tương lai, hai quốc gia láng giềng này cần chú trọng khả năng tự lực, tự cường, giảm thiểu sự tác động, chi phối từ bên ngoài để đạt được sự hữu nghị thực chất, tìm ra “lối thoát” cho những bất hòa để cùng nhau thịnh vượng bền vững.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phia-sau-su-tai-dien-xung-dot-armenia-azerbaijan-post454700.html