Phía sau thảm họa ngộ độc siro ho gây chấn động toàn cầu

Vụ bê bối lớn liên quan đến loại siro ho có chất độc hại khiến toàn cầu chấn động vẫn không ngừng có những diễn biến mới.

Cách đây chưa lâu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi các loại siro ho nhiễm độc có khả năng gây chết người ở trẻ em và đang hợp tác với 6 quốc gia để điều tra về các loại thuốc có hại cho trẻ em.

Thực tế chấn động: 300 trẻ em thiệt mạng vào năm 2022 do siro độc

Ngày 16/6/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo mối đe dọa toàn cầu vì siro ho nhiễm độc. Tuy nhiên, trên thực tế, mối đe dọa này đã bắt đầu từ hàng năm nay, chính xác là từ tháng 7/2022, các bác sĩ tại Gambia đã phát hiện một số trẻ em có các triệu chứng suy thận sau khi sử dụng 1 loại siro có thành phần paracetamol được bán trên thị trường để hạ sốt. Sau đó vài tháng, nhà chức trách Gambia báo cáo có khoảng 70 trẻ em tử vong bất thường và sau khi tiến hành điều tra, họ cho biết tổn thương thận cấp là nguyên nhân dẫn đến 69 trẻ em tử vong và họ đã tìm ra điểm chung là các em này đều sử dụng siro ho của hãng dược Maiden tại Ấn Độ.

 Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều đáng quan ngại là các vụ ngộ độc tương tự đã xuất hiện sau đó ở Indonesia và Uzbekistan. Tháng 10/2022, Indonesia đã đình chỉ việc bán tất cả các loại thuốc siro trên toàn quốc khi liên tiếp xảy ra các trường hợp tử vong và hàng chục ca bệnh khác liên quan tới việc uống siro ho trên 22 tỉnh của nước này. Cụ thể, 241 trẻ em được ghi nhận bị tổn thương thận cấp tính, trong đó, hơn một nửa đã tử vong và phần lớn dưới 5 tuổi. Tình hình nghiêm trọng đến mức, chính quyền Jakarta ngay thời điểm đó đã mở một cuộc điều tra khẩn cấp.

Thế giới càng thêm choáng váng khi ngày 27/12/2022, Bộ Y tế Uzbekistan ngày cho biết ít nhất 18 trẻ em đã tử vong sau khi uống một loại thuốc dạng siro của hãng dược phẩm Ấn Độ Marion Biotech. Theo Bộ Y tế Uzbekistan, 18 trong số 21 trẻ em đã uống siro Doc-1 Max khi đang mắc bệnh hô hấp cấp tính và đã qua đời sau đó.

Tổng cộng, theo thống kê của WHO, đã có khoảng 300 trẻ em thiệt mạng vào năm 2022 do uống siro nhiễm độc. Theo WHO, các loại siro nhiễm độc được sản xuất tại nhiều quốc gia, không chỉ tại Ấn Độ.

Hoạt chất tử thần và những kẻ sản xuất thuốc vô nhân tính

Thực tế kinh hoàng đã khiến nhà chức trách tại các quốc gia nơi thảm họa xảy ra phải nhanh chóng vào cuộc quyết liệt.

Tháng 10/2022, một cuộc điều tra với sự tham gia của cả 3 bên liên quan WHO - Ấn Độ - Gambia được tiến hành. Sau khi điều tra, phía WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của công ty dược phẩm Maiden gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol. Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu,... thậm chí dẫn tới tử vong.

Cũng theo các chuyên gia của WHO, ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG), hoàn toàn có thể coi là những chất độc gây chết người. Những kẻ sản xuất thuốc vô nhân tính đã dùng những chất này để thay thế cho propylene glycol (PG) vốn là thành phần chính của các loại siro ho, không gì khác vì mục tiêu lợi nhuận bởi giá thành khi sử dụng ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG) thấp hơn một nửa so với việc sử dụng propylene glycol (PG).

 Nhân viên Chữ thập Đỏ thu hồi siro ho nghi là nguyên nhân khiến trẻ em tử vong tại Banjul, Gambia ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên Chữ thập Đỏ thu hồi siro ho nghi là nguyên nhân khiến trẻ em tử vong tại Banjul, Gambia ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, nhà chức trách cũng đã tiến hành điều tra và bước đầu cũng đã xác nhận tìm thấy các chất độc hại ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG) trong máu của bệnh nhi và các sản phẩm siro thuốc tại nhà của một số người bị bệnh. Ngày 26/6/2023 vừa qua, cảnh sát Indonesia đã tuyên bố đã mở rộng cuộc điều tra khi con số trẻ em Indonesia tử vong khi sử dụng siro ho có nhiễm độc đã lên tới con số 200. Còn tại Uzbekistan, các giới chức y tế nước này cho biết sau khi điều tra họ cũng thấy trong lô thuốc đã gây tử vong cho trẻ có chứa ethylene glycol, thành phần mà họ cũng cho là một chất độc hại.

Khi những khuyến cáo bị lãng quên và những bài học đắt giá còn lại

Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra và Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo chúng có thể liên quan đến cái chết của hàng chục trẻ em ở Gambia và Indonesia, cuối năm 2022, giới chức y tế Ấn Độ yêu cầu Công ty Maiden Pharmaceuticals nước này ngừng sản xuất các loại siro ho. Rất nhiều cuộc điều tra đã, đang và sẽ còn được tiến hành để tiếp tục đưa sự việc ra ánh sáng, trừng trị nghiêm minh những kẻ sản xuất dược phẩm vô đạo đức.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sau những đau đớn từ thảm họa, là những câu hỏi, những bài học nhức nhối còn đọng lại. Đơn cử như sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia cho biết những sản phẩm siro ho nói trên chưa được đăng ký lưu hành và các thành phần của chúng hiện đã bị cấm trong tất cả các loại siro dành cho trẻ em được bán ở nước này. Vậy con đường nào đã dẫn những sản phẩm thuốc này tới tay người tiêu dùng?

 Nhà chức trách Gambia thu giữ các mẫu siro ho liên quan đến cái chết của một số trẻ em tại Banjul, ngày 6/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Gambia thu giữ các mẫu siro ho liên quan đến cái chết của một số trẻ em tại Banjul, ngày 6/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thực tế nữa từ câu chuyện tại Uzbekista. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế Uzbekistan cũng cho biết loại thuốc siro này được cha mẹ mua cho trẻ em uống ở nhà mà không có đơn của bác sỹ hay lời khuyên của dược sỹ, với liều lượng vượt quá liều lượng cho trẻ em. Như vậy, rõ ràng câu chuyện uống thuốc không cần kê đơn, không cần đơn đã, đang diễn ra một cách phổ biến, công khai tại nhiều quốc gia.

Về phía Tổ chức Y tế thế giới, WHO cho biết, từ năm 2001, tổ chức này đã khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi uống siro ho, vì không có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của chúng và những tác dụng phụ mà chúng có thể gây ra vẫn chưa được làm rõ. Vậy rõ ràng là những khuyến cáo này đã không được nhiều quốc gia, nhiều người tiêu dùng lắng nghe.

Đơn cử như tại Indonesia, sau khi sự việc xảy ra, người phát ngôn Bộ Y tế nước này mới tuyên bố: “Để đề phòng, Bộ đã yêu cầu tất cả nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tạm thời không kê đơn thuốc dạng lỏng, siro... Chúng tôi cũng yêu cầu các cửa hàng thuốc tạm ngừng bán thuốc dạng lỏng, siro không kê đơn cho đến khi cuộc điều được hoàn tất”.

Đặc biệt, tháng 1/2023, WHO cũng ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn. WHO khuyến nghị các quốc gia cần kịp thời kiểm tra, phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc nhiễm độc, cũng như tăng cường khâu giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng. Các bên liên quan cũng cần báo cáo cho WHO ngay khi phát hiện các sản phẩm không đạt chuẩn, đồng thời khuyến cáo để người dân nhận thức rõ về mối nguy hiểm và các tác dụng phụ của những loại thuốc như vậy.

Đáng chú ý, WHO kêu gọi các chính phủ và các cơ quan quản lý đảm bảo rằng chỉ những loại thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phân phối hoặc lưu hành trên thị trường. Các nhà cung cấp và phân phối dược phẩm cần thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu làm giả còn các nhà sản xuất phải tiến hành thử nghiệm toàn diện khi nhận được các nguyên liệu dược phẩm và trước khi sử dụng cho quá trình sản xuất thuốc và các sản phẩm y tế khác.

Rõ ràng, có quá nhiều bài học đắt giá từ thảm họa dược phẩm có một không hai này.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phia-sau-tham-hoa-ngo-doc-siro-ho-gay-chan-dong-toan-cau-post255983.html