Phía trước còn nhiều con đường

Từ hôm biết được điểm thi tốt nghiệp THPT của Sơn, không khí gia đình ông Sáng chẳng mấy ngày được vui vẻ. Suốt 12 năm học, Sơn đều được bố mẹ xin vào các lớp chọn, nhưng sức học của Sơn lại không nổi bật.

Từ hôm biết được điểm thi tốt nghiệp THPT của Sơn, không khí gia đình ông Sáng chẳng mấy ngày được vui vẻ. Suốt 12 năm học, Sơn đều được bố mẹ xin vào các lớp chọn, nhưng sức học của Sơn lại không nổi bật.

Cho dù vậy, Sơn cũng thường xuyên được xếp loại giỏi, ấy là nhờ bố mẹ nhiệt tình tham gia hội cha mẹ học sinh, lại hăng hái làm công tác "ngoại giao" với nhà trường. Vợ chồng ông Sáng lấy đó làm niềm hãnh diện, rồi luôn hy vọng và vô tình tạo sức ép lớn lên đôi vai non nớt của cậu con trai. Ông bà giao mục tiêu Sơn phải đỗ vào trường đại học tiếng tăm, hứa thưởng xe máy, điện thoại di động đắt tiền.

Thế là từ đầu năm vừa qua, hai vợ chồng kỳ công chuẩn bị cho cuộc "vượt vũ môn" của cậu con trai. Sơn gần như chẳng phải làm việc gì, chỉ chúi đầu vào bài vở, nhiều khi mẹ và hai chị gái còn sốt sắng mang cả thức ăn, nước uống đưa đến tận bàn học. Nghe ai đó mách nước, bà Nhã kê lại giường ngủ cho con trai để hợp hướng phong thủy. Cả nhà kiêng khem, lựa chọn kỹ lưỡng thực phẩm ăn uống hằng ngày. Tuyệt nhiên không ăn thịt vịt, thịt trâu sợ đen đủi; không ăn chuối sợ trượt vỏ chuối; không ăn tôm sợ đi giật lùi bị trừ điểm; kiêng ăn lạc vì ngại con sẽ lạc đề; rồi lại còn bỏ ăn canh bí và trứng vì sợ con bị tắc tịt và bị điểm "0" cho dù nhà có cả vườn bí và khu chăn nuôi vịt lớn nhất làng... Cả nhà chỉ ăn những món ăn nghe nói sẽ giúp con đỗ đạt và gặp số "son" như cá hồi đỏ, cá chép, rồi đậu đỏ, đu đủ, gấc, cà chua, dứa, chôm chôm, thanh long, đỗ xanh...

Không chỉ chú tâm khoản ăn uống kiêng khem, gần tới ngày thi, bà Nhã mời cả thầy cúng về nhà làm lễ cầu may. Hôm đó, thời tiết oi nóng, láng giềng thấy bên sân nhà bà Nhã, mọi người lố nhố đứng xếp hàng lễ bái, khấn khứa. Chưa hết, ông bà kỳ công chọn người hợp tuổi, hợp mạng sát sao "hộ tống" cậu Sơn suốt mấy ngày thi. Có lẽ vì quá ăn uống kiêng khem và ỷ vào việc cúng lễ cầu may mà sức khỏe Sơn giảm sút, lúc vào phòng thi làm bài chuệch choạc. Sơn trở về với vẻ mặt kém vui, lại bị bố mẹ xúm vào hỏi han, chất vấn càng khiến cậu thêm lo âu, buồn rầu, chán nản ở lỳ trong phòng đóng kín cửa. Ông Sáng, bà Nhã, rồi cả cô con gái cả buổi ngồi tranh cãi nảy lửa chung quanh việc thi cử của Sơn, hết than thở, kể lể, lại lôi nhau ra đổ lỗi.

Một buổi tối nọ, thấy bố mẹ cứ mải tranh luận về mình, Sơn len lén mở cổng đi ra ngoài. Tới lúc không thấy Sơn đâu, đợi mãi chẳng thấy về, mọi người trong gia đình mới tá hỏa đi tìm, rồi hôm sau trình báo công an xã, công an huyện. Thậm chí còn thuê người đi dọc bờ sông quê vì sợ Sơn nghĩ quẩn rồi dại dột hủy hoại thân mình. Gần ba tuần trôi qua không lần tìm được tung tích Sơn. Thế rồi, đến một hôm, quý tử của ông Sáng được hai chú công an dẫn về tận nhà trước sự mừng vui khôn xiết của cả nhà. Nhìn con trai đầu tóc rối bời, áo quần xộc xệch, mặt mũi hốc hác mà vợ chồng ông Sáng không cầm nổi nước mắt. Hóa ra, sau khi buồn chán bỏ nhà lên thành phố, Sơn lang thang qua các phố đến đói lả thì bị một gã đàn ông bán quán giả đò tử tế cho ăn uống, rồi khống chế, sai bảo đi đưa hàng quốc cấm, may mà cậu kịp nhận thức được và tìm cách bỏ trốn tới đồn công an kêu cứu.

Sau vụ việc, vợ chồng ông Sáng như tỉnh ngộ, hối hận vì đã tạo sức ép tâm lý quá lớn mà không biết định hướng cho con trai trước ngưỡng cửa vào đời.

HOÀNG YẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/41100202-phia-truoc-con-nhieu-con-duong.html