Phiên âm tên nước ngoài trong sách giáo khoa làm khó cả giáo viên
Trong sách giáo khoa, tên các địa danh, người nước ngoài được Việt hóa theo phiên âm. Cách viết này khiến nhiều người không xác định được địa điểm, nhân vật nào đang được nhắc đến.
Sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 4 tập 1 có bài về cách viết tên người, tên địa lý nước ngoài. Theo đó, các danh từ riêng này đều được Việt hóa theo phiên âm.
Trong một số trường hợp, người lớn gặp khó khăn khi trẻ muốn biết thêm về các địa danh hay nhân vật đó vì từ cách viết, họ cũng khó có thể liên tưởng đến tên trong nguyên ngữ của chúng.
Mô-rít-xơ Mát-téc-lích là ai?
Cụ thể, trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1, trang 78, ví dụ cho cách viết tên người có Lép Tôn-xtôi, Mô-rít-xơ Mát-téc-lích, Tô-mát Ê-đi-xơn.
Sách Luyện tập Tiếng Việt lớp 4 tập 1 dành cho buổi học thứ hai - lớp học 2 buổi/ngày (NXB Giáo dục Việt Nam) cũng đề cập các tên riêng như Li-ép Tôn-xtôi, An-phông-xơ-đô-đê, Hen-rích Hô-nếch-cơ, Béc-tôn Brếch.
Dù là giáo viên tiểu học, cô Hồng Mai (Lâm Đồng) thừa nhận hiện nay, những cái tên với cách viết trên chỉ tồn tại trong sách giáo khoa. Thậm chí, khi được hỏi Hen-rích Hô-nếch-cơ, Béc-tôn Brếch, Mô-rít-xơ Mát-téc-lích là ai, cô còn khựng lại, không thể liên tưởng đến nhân vật nào.
Cô Mai tra cứu các tên này trên mạng và ngạc nhiên khi cách viết theo hệ chữ Latin của các danh từ riêng này lần lượt là Erich Honecker, Bertolt Brecht, Maurice Maeterlinck.
Là giáo viên 9X đời đầu, cũng từng học qua cách viết này song cô Hồng Mai cho rằng việc Việt hóa phiên âm tên người hay địa danh nước ngoài không còn phù hợp.
Cách viết như vậy gây khó khăn khi người lớn muốn tra cứu thêm thông tin về nhân vật. Việc ghi phiên âm được cho là nhằm giúp học sinh, giáo viên nắm được cách đọc. Tuy nhiên, cô Mai nhìn nhận nếu phiên âm không chuẩn, việc Việt hóa như vậy không có nhiều ý nghĩa.
Cách viết cũng gây khó khăn vì cả cô lẫn trò khó nhớ được cách viết nào mới là đúng, chỉ đơn giản phân biệt được cách viết đúng - sai dựa theo quy tắc viết hoa chữ đầu và gạch ngang giữa các âm.
Đề xuất ghi danh từ riêng nước ngoài theo nguyên ngữ
Thực tế, cách viết như vậy tồn tại trong thời gian dài và được áp dụng không chỉ trong bài về cách viết tên người, tên địa lý nước ngoài.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, tên riêng của người, địa danh nước ngoài được Việt hóa theo phiên âm. Cách làm này thuận tiện khi học sinh chưa đủ kiến thức để nhận diện nguyên ngữ.
Tuy nhiên, nó cũng có bất cập vì nhiều khi, phiên âm các tên riêng chưa chuẩn. Ông đánh giá việc phiên âm chuẩn xác như nguyên ngữ rất khó.
Cách viết phiên âm danh từ riêng từ tiếng nước ngoài có thể gây ra hậu quả không nhỏ. Khi quen với dạng mô phỏng cách đọc chưa chắc đã chuẩn xác như vậy, sau này, tiếp xúc các văn bản khác, các em phải hồi cố, tìm sự liên tưởng giữa hai tên, thậm chí có những trường hợp không liên tưởng được vì chính âm, chính tả khác biệt quá lớn.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết sách giáo khoa chưa có bảng phiên âm chuẩn mà chủ yếu căn cứ phiên âm của các chuyên gia hoặc tác phẩm văn học đã được xuất bản.
“Chúng ta mới chỉ có chuyển tự, tức là hai ngôn ngữ theo hệ thống chữ viết khác nhau thì đưa về một hệ thống chữ viết như tiếng Nga theo hệ chữ Kirin được chuyển về hệ khác như Latin. Tiếng Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh đều có cách đọc khác nhau, lấy tiếng Anh đọc tiếng Đức không đúng nhưng không phải ai cũng biết tiếng Đức để đọc. Do đó, tôi nghĩ nên ghi nguyên dạng, có thể mở ngoặc đơn thêm cách đọc tham khảo”, ông Tình nói.
Ông Tình cho biết thêm hiện tại, những người biên soạn sách giáo khoa, các nhà ngôn ngữ đang tranh luận về việc liệu có nên sử dụng nguyên ngữ thay vì phiên âm.
Ông đánh giá việc ghi nguyên ngữ không cản trở trẻ hấp thu văn bản vì học sinh tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm. Hơn nữa, ghi như vậy, khi tiếp xúc với văn bản khác, liên thông với văn bản quốc tế, các em không bỡ ngỡ trước danh từ nguyên ngữ.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, yếu tố quan trọng nhất đối với ngôn ngữ viết là nhận diện chữ trên văn bản. Do đó, cách viết cần thống nhất. Cách đọc liên quan phát âm. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh hoặc các em tự tìm cách đọc.
Ông cho rằng phát âm không chuẩn cũng không sao vì người Việt khi đọc tiếng Việt, các vùng miền còn có cách đọc khác nhau.
“Người Mỹ cũng có mấy cách đọc tên Ronald Reagan. Người Nga cũng có nhiều kiểu đọc Lomonoxop. Chúng ta không bắt bẻ vì cách đọc không chuẩn. Chuyện này liên quan tính định hướng cho việc xử lý các vấn đề văn bản trên sách giáo khoa cho tương lai”, ông nêu quan điểm.