Phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai: Bàn thảo nhiều vấn đề 'nóng'
Trong buổi sáng của phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai, các đại biểu đã tiến hành chất vấn và trả lời nhiều vấn đề 'nóng' được cử tri, người dân quan tâm liên quan đến việc thu hồi đất bị lấn chiếm; kêu gọi, thu hút đầu tư; tiến độ giải ngân đầu tư công; xác định giá đất… Các đại biểu đã đặt câu hỏi, kiến nghị bám sát với thực tiễn, phản ánh được những khó khăn, tồn tại cần phải có các giải pháp tháo gỡ kịp thời trong thời gian đến.
Nhiều bất cập trong thu hút đầu tư
Thời gian qua, hoạt động kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực đã được tỉnh tập trung đẩy mạnh, đáng kể là các dự án năng lượng tái tạo, dự án chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-kiến nghị: “Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động kêu gọi đầu tư của tỉnh còn phát sinh nhiều vấn đề bất cập như: Số dự án triển khai trên thực tế so với tổng số dự án đã được cấp phép khảo sát/đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp; một số dự án có quyết định chủ trương đầu tư nhưng triển khai cầm chừng, tìm cách chuyển nhượng để kiếm lời; kinh nghiệm, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế. Vậy, vai trò, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư, quản lý, giám sát hoạt động các chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương như thế nào. Giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới ra sao?”.
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư-nêu bất cập, hạn chế: Hầu hết UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chủ động theo dõi, giám sát, quản lý tình hình xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn, còn thiếu thông tin trong các dự án kêu gọi đầu tư. Công tác lập và trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chung, phân khu, chi tiết của các địa phương còn chậm, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư còn hạn chế, thực hiện chưa đồng bộ; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, các sở, ngành và UBND cấp huyện triển khai việc lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các Quy hoạch: Sử dụng đất, xây dựng; kế hoạch sử dụng đất... để làm cơ sở xem xét, lập và phê duyệt dự án, triển khai công tác kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, cũng như các cấp độ quy hoạch xây dựng chưa hoàn thiện, đó là khó khăn chính trong công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh.
Từ đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP. Pleiku cần phối hợp tốt với Sở trong việc tham gia ý kiến bổ sung danh mục thu hút đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo theo thời gian quy định. Hàng năm, cần chủ động đề xuất các danh mục thu hút đầu tư với các thông tin đầy đủ, phù hợp với các loại quy hoạch, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương bằng nhiều hình thức nhằm thu hút các nhà đầu tư. Hoàn thiện, lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch có liên quan: đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng; kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển nhà ở; các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có), đảm bảo mặt bằng sạch để đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, các địa phương chủ động lập, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đảm bảo đủ các điều kiện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cũng cho rằng: Ủy ban nhân dân tỉnh cần có chỉ đạo, thống nhất quy trình trong việc thu hút đầu tư, tránh chồng lấn giữa các cấp, ngành và địa phương. Có những dự án khi bắt tay vào triển khai rồi cấp ủy, HĐND địa phương mới biết. Trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cần phải thông báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương nắm, phối hợp cùng giải quyết, tránh tình trạng đến khi gặp vướng mắc mới đề nghị cơ sở vào cuộc. Bên cạnh đó, nhiều dự án triển khai kéo dài, lãng phí gây bức xúc trong người dân.
Gỡ khó trong quy trình xác định giá đất
Việc xác định giá đất nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự phiên chất vấn. Đối với việc thực hiện dự án nhà thi đấu đa năng huyện Kông Chro và đường vành đai thị xã Ayun Pa, ông Phan Văn Trung-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-nêu khó khăn: Ngày 13-2-2023, huyện Kông Chro có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định giá đất. Tương tự, ngày 30-11-2022, thị xã Ayun Pa cũng có tờ trình như thế. Kèm theo là tờ thẩm định giá của huyện Kông Chro ngày 3-2-2023 và thẩm định giá của thị xã Ayun Pa ngày 29-11-2022. Đến ngày 12-9-2023, UBND tỉnh ra kết luận 2 đơn vị đã trễ hạn chứng thư thẩm định giá. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành làm việc lại với 2 địa phương để tiến hành làm lại giá đất cụ thể, thuê đơn vị tư vấn. Trong khi đó, đơn vị tư vấn ở Hà Nội đã bị Bộ Tài chính thu hồi giấy phép. Chỉ còn 2 tháng là hết năm sử dụng ngân sách theo kế hoạch. Chúng tôi có ý kiến, trách nhiệm này thuộc về ai để giải quyết sự việc chung cho dân? Riêng 2 địa phương này không thể trong năm 2023 mà thuê thẩm định giá. Và nếu thuê một đơn vị khác thẩm định, giá đất cũng sẽ khác với giá đất đã thẩm định đầu năm 2023. Nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến mất niềm tin trong Nhân dân, mất niềm tin của cử tri đối với đại biểu HĐND tỉnh”.
Đồng tình với quan điểm của ông Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa Trần Quốc Khánh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, không nên yêu cầu 2 địa phương làm lại các quy trình vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Đối với vướng mắc của huyện Kông Chro và thị xã Ayun Pa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung đề xuất giải pháp: “Pháp luật không bắt buộc các địa phương khi làm giá đất cụ thể phải thuê đơn vị tư vấn, hoặc lựa chọn tư vấn hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thường trực tham mưu UBND huyện khảo sát, trình Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND tỉnh thẩm định. Sở dự kiến sẽ lựa chọn phương án hướng dẫn lại thị xã Ayun Pa và huyện Kông Chro giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện để rút ngắn thời gian thuê đơn vị tư vấn về chứng thư”.
Giải trình tại phiên chất vấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp thông tin: UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định giá có vai trò tư vấn để bàn giá đất cụ thể. Có rất nhiều chứng thư được đơn vị tư vấn thiết lập. Nhưng các đơn vị tư vấn lập chứng thư bằng các nguồn xác định giá đất rất cao so với giá đất kỳ liền kề. Nếu công nhận chứng thư đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải phóng mặt bằng, người dân có đất bị thu hồi thì rất vui mừng nhưng lại vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình hoạch toán. Đó là việc Hội đồng thẩm định giá vẫn trăn trở, làm sao để giải quyết hài hòa. Về vấn đề này, UBND tỉnh sẽ tiếp thu và có hướng giải quyết trong thời gian tới.
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai, đại biểu Nguyễn Trung Kiên-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng: Theo tôi được biết, đến thời điểm này, có nhiều dự án quá hạn hoàn trả vốn ứng từ Quỹ phát triển đất tỉnh. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, có trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng quỹ, đề nghị ông cho biết trách nhiệm của mình trong tổ chức, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất theo quy chế quản lý, sử dụng quỹ đã ban hành và giải pháp thực hiện quản lý, sử dụng quỹ trong thời gian đến.
Ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-trả lời: Khi đến hạn hoàn trả vốn ứng, Quỹ đã có văn bản đôn đốc các địa phương hoàn trả vốn ứng cho Quỹ theo quy định, tuy nhiên các địa phương chậm hoàn trả vốn ứng đã có các văn bản xin gia hạn thời gian hoàn trả vốn ứng trong đó có nêu cụ thể nguyên nhân khách quan dẫn tới việc chậm hoàn trả vốn ứng. Quỹ Phát triển đất đã nhiều lần làm việc với các địa phương có số vốn ứng quá hạn, yêu cầu các địa phương cam kết hoàn trả vốn ứng cho Quỹ theo quy định; đồng thời có văn bản đề nghị Kho bạc Nhà nước không giải ngân số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các địa phương có số vốn ứng quá hạn để hoàn trả vốn ứng cho Quỹ Phát triển đất. “Thời gian tới, Quỹ sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung bố trí kế hoạch ứng vốn cho các dự án trọng điểm, tránh dàn trải, chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc giải ngân vốn của Quỹ”-Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.
Chiều nay, phiên chất vấn sẽ tiếp tục với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT và Ban Dân tộc tỉnh.