Sáng 3/2 (tức mùng 6 Tết Ất Tỵ), hàng nghìn người dân các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, TP Thanh Hóa kéo đến bãi đất ven sông tại xã Đông Hoàng (TP Thanh Hóa) để họp chợ Chuộng và tham gia ném cà chua với mong ước 'mua may, bán rủi'. Ảnh: Đình Minh
Theo ghi nhận, các mặt hàng được bày bán tại chợ Chuộng chủ yếu là rau củ quả và những món ăn dân dã, trong đó, đáng chú ý nhất là có rất nhiều cà chua, bánh đa gấc và trứng gà. Ảnh: Đình Minh
Dù không quen biết nhưng chỉ cần đến chợ Chuộng, ai nấy đều có thể 'choảng' nhau bằng cà chua, trứng... Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai càng bị ném nhiều thì năm đó càng gặp may mắn. Ảnh: Đình Minh
Hiện nay, lứa tuổi tham gia ném cà chua nhiều nhất là các thanh thiếu niên. Thông qua việc ném cà chua, các chàng trai, cô gái có thể làm quen, kết bạn, nên duyên. Ảnh: Đình Minh
Trong mỗi phiên chợ, các cô gái trẻ luôn là tâm điểm của cuộc rượt đuổi, ném cà chua. Dù bị ném bẩn hết quần áo nhưng ai nấy đều tươi cười, vui vẻ. Ảnh: Đình Minh
Theo các cụ cao niên tại xã Đông Hoàng kể lại, nguồn gốc của phiên chợ này có từ thời nhà Lê. Cụ thể, vào mùng 6 Tết, có một vị tướng khi bị quân giặc truy đuổi đã chạy qua đây. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Ảnh: Đình Minh
Khi quân địch đến, chúng tưởng đó chỉ là phiên chợ quê bình thường nên không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh tấn công, quân địch bị bất ngờ nên không kịp trở tay và bị đánh tan tác. Ảnh: Đình Minh
Để tưởng nhớ vị tướng có công dẹp giặc, cứ đến mùng 6 Tết, người dân tại Thanh Hóa lại nô nức đến đây để họp chợ. Ảnh: Đình Minh
Từ bao đời nay, người dân ở đây đã truyền tai nhau rằng: 'Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng'. Điều đó là minh chứng rõ nét về ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Ảnh: Đình Minh
Đình Minh