Phiên giao dịch chiều 3/6: Cổ phiếu POW dậy sóng, VN-Index vượt mốc 1.280 điểm

Mặc dù có chút hạ độ cao trong phiên chiều nhưng VN-Index đã bảo toàn được mốc 1.280 điểm trong phiên đầu tuần ngày 3/6 với 'điểm nóng' thuộc về cổ phiếu POW.

Sau 3 phiên giảm liên tiếp những ngày cuối tháng 5, thị trường đã giao dịch khởi sắc tích cực trong phiên sáng đầu tuần ngày 3/6. Cùng dòng tiền sôi động lan tỏa các nhóm ngành, đặc biệt là sự trở lại dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, chỉ số VN-Index đã giành lại mốc 1.280 điểm và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá cao nhất trong phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường có chút giảm nhiệt khi nhiều nhà đầu tư thực hiện hóa việc chốt lời ngắn hạn sau phiên hàng giá rẻ ngày thứ Năm tuần trước. Tuy nhiên, lực cầu sôi động là động lực chính giúp các cổ phiếu trên sàn chỉ lùi nhẹ và chỉ số VN-Index cũng nhanh chóng lấy lại mốc 1.280 điểm ngay khi chớm “trượt chân”.

Thị trường khép lại phiên đầu tuần với mức tăng tốt nhất trong gần 1 tháng về điểm số, một lần nữa chinh phục lại mốc 1.280 điểm và thanh khoản cải thiện tích cực khi trở lại trên mức 1 tỷ USD. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 vẫn là động lực chính của thị trường.

Đóng cửa, sàn HOSE có 367 mã tăng và 96 mã giảm, VN-Index tăng 18,28 điểm (+1,45%) lên 1.280 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,05 tỷ đơn vị, giá trị gần 26.098 tỷ đồng, tăng 36,2% về khối lượng và 39,26% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 31/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 115,9 triệu đơn vị, giá trị 2.875,85 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhưng đóng cửa vẫn tăng khá tốt gần 22 điểm, với 29 mã tăng và chỉ duy nhất GVR đảo chiều giảm nhẹ 0,4%.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường là sự trở lại của cổ phiếu điện POW. Sau phiên rung lắc và đảo chiều cuối tuần trước, cổ phiếu POW đã nhanh chóng trở lại đường đua và trở thành điểm nóng của thị trường trong phiên chiều 3/6.

Cụ thể, trái với phần lớn các cổ phiếu trên sàn không giữ được độ cao như phiên sáng, cổ phiếu POW ngày càng nới rộng biên độ và đã chạm trần sau 1 giờ mở cửa phiên chiều. Kết phiên, POW tăng 6,7% lên mức giá trần 13.450 đồng/CP, là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 8/2023 đến nay, đồng thời thanh khoản bùng nổ khi leo lên vị trí dẫn đầu thị trường với 42,92 triệu đơn vị khớp lệnh cùng khối lượng dư mua trần 1,16 triệu đơn vị.

Ngoài POW, trong rổ VN30 còn có STB vẫn giữ vững sắc tím. Đóng cửa, STB tăng 6,8% lên mức 29.750 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua POW, đạt 28,58 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, MBB, CTG dù thu hẹp biên độ tăng nhưng vẫn là các mã có đóng góp lớn nhất với trên dưới 1 điểm cho chỉ số chung của thị trường.

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường vẫn chỉ còn nhóm sản xuất thiết bị, máy móc điều chỉnh giảm 0,77%, còn lại đều đóng cửa khởi sắc dù biên độ tăng đều thu hẹp.

Nhóm công nghệ vẫn giữ được đà tăng tốt với các mã CMG, ITD và SGT đều đóng cửa ở mức giá trần, ICT tăng 3,3%, ELC tăng 2,2%, FPT tăng 1,7%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn bao phủ bởi sắc xanh nhưng biên độ tăng chủ yếu chỉ còn trên dưới 1%. Trong đó, VIX đóng cửa tăng 1,9% lên 18.350 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu ngành, đạt 23,34 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, nhiều mã đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng như HDG, BCG, TCD, DPG, NTL, ITA, DXS… Điểm sáng ngành là cổ phiếu IJC có pha tăng tốc trong phiên chiều, đóng cửa leo lên mức giá trần 15.750 đồng/CP với thanh khoản đạt 14,42 triệu đơn vị.

Ở nhóm trụ cột chính ngân hàng, ngoại trừ STB giữ vững phong độ còn lại hầu hết đều hạ độ cao, thậm chí TCB, ACB, BID lùi về sát mốc tham chiếu, hay EIB còn đảo chiều giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index có những pha giật lùi về sát mốc tham chiếu, nhưng đà tăng của nhóm bluechip cùng lực cầu hấp thụ khá tốt đã giúp thị trường có phiên đầu tuần tích cực.

Đóng cửa, sàn HNX có 126 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,63 điểm (+0,67%) lên 244,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,12 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.753,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,72 triệu đơn vị, giá trị 78,6 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn tăng gần 5,5 điểm, với 23 mã tăng và chỉ có 3 mã là DVM, HLD và TNG giảm nhẹ trên dưới 1%.

Cổ phiếu SHS duy trì mức tăng 2,7%, đóng cửa đứng tại mức giá 18.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 10,63 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như CEO, PVS, MBS đều thu hẹp biên độ với mức tăng nhẹ trên dưới 1% và thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 cổ phiếu nhà APEC có APS và API đóng cửa đều trong trạng thái dư bán sàn khá lớn, còn IDJ thoát sàn nhưng đóng cửa cũng giảm tới 8,5% xuống mức 7.500 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 7,15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá tốt.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 1,05 điểm (+1,09%) lên 96,93 điểm với 187 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,22 triệu đơn vị, giá trị 889 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 35,96 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch khởi sắc, đóng cửa tăng 1,8% lên mức 23.100 đồng/CP và khớp lệnh dẫn đầu thị trường với 7,14 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác như DDV, ABB, BVB tăng trên dưới 2% với khối lượng giao dịch đạt vài triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu nhỏ AAT giảm 1,6% và khớp 3,12 triệu đơn vị, BCR giảm 4,5% và khớp gần 3 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng khá tốt. Trong đó, VN30F2406 tăng 21,5 điểm, tương ứng tăng 1,7% lên 1.291,5 điểm, khớp 194.507 đơn vị, khối lượng mở 54.256 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CSTC2327 có thanh khoản lớn nhất với hơn 6,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 62,5% lên 260 đồng/cq; tiếp theo là CMBB2314 khớp 2,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 19% lên 940 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chieu-36-co-phieu-pow-day-song-vn-index-vuot-moc-1280-diem-post346517.html