PHIÊN HỌP MỞ RỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC: BỔ SUNG SỐ LIỆU, ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DTTS&MN
Tại Phiên họp mở rộng của Thường trực Hội đồng Dân tộc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022 diễn ra vào chiều 17/5, các ý kiến đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung số liệu, đánh giá toàn diện thực trạng về tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN hiện nay.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, thành viên Hội đồng Dân tộc, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra: “Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, vùng DTTS&MN vẫn đang có nhiều vấn đề đặt ra, như: Đời sống của đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Hệ thống chính sách bước đầu đã được xây dựng, tích hợp, nhưng vẫn tản mạn, chưa khắc phục triệt để tính chồng chéo, trùng lắp nội dung, cơ chế thực thi và tính đột phá thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt vẫn đang là vấn đề lớn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng ở một số địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa bài bản. An ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…
Để làm rõ tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua, theo Chương trình của Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã có Báo cáo về vấn đề này để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại Kỳ họp. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y đề nghị các đại biểu tập trung, bám sát gợi ý thảo luận của Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, chuẩn bị kỹ nội dung, đi đúng trọng tâm, trọng điểm các vấn đề trong Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc để đề xuất, kiến nghị.
Số lượng chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN còn tản mạn, chưa khắc phục triệt để tính chồng chéo, trùng lặp nội dung
Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, triển khai thực hiện Kết luận số 65/KL-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2022/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN, các chính sách dân tộc để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Hệ thống các chính sách dân tộc nói riêng, chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN nói chung hiện cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh vùng DTTS&MN.
Bên cạnh 2 CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên nước ta có CTMTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN nhằm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN, trong đó có 5 chính sách dành riêng cho người DTTS, vùng DTTS&MN. Ngoài ra, các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN đã quan tâm, ban hành chính sách đặc thù sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đời sống của đồng bào vùng DTTTS&MN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc đến nay chưa được củng cố. Số lượng chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN còn tản mạn, chưa khắc phục triệt để tính chồng chéo, trùng lặp nội dung, cơ chế thực thi chính sách chưa có có tính đột phá. Một số nội dung của chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn thiếu đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng; vẫn còn thiếu, chưa sát thực tế hoặc chậm xây dựng nhằm cụ thể hóa đầy đủ các nội dung nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Một số bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời….
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến DTTS, vùng DTTS&MN và thực hiện công tác dân tộc. Đồng thời tăng cường thực hiện giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của các ngành, các cấp.
Sau khi nghe báo cáo này, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022.
Cần bổ sung số liệu, đánh giá toàn diện thực trạng về tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTTS&MN
Qua thảo luận, đa số các thành viên Hội đồng Dân tộc và các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022, và cho rằng, Báo cáo đã phản ánh được thực trạng tình hình của vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2022.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung số liệu, đánh giá toàn diện thực trạng về tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN hiện nay. Cụ thể, thứ nhất, nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản văn hóa của các dân tộc đã đáp ứng yêu cầu, tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay chưa? Thứ hai, tỷ lệ huy động học sinh đến trường vùng DTTS&MN. Tỷ lệ huy động học sinh vùng DTTS&MN đi học đúng độ tuổi cấp I. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ kiên cố hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia… Thứ ba, số liệu cụ thể về công tác dạy nghề và đào tạo nghề. Thứ tư, số trạm y tế, tỷ lệ cấp thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ số lượng bác sỹ đối với vùng DTTS&MN…
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính Phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Qua thực tiễn, đời sống của người dân vùng DTTS&MN rất khó khăn. Người dân thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với những mặt tồn tại, hạn chế và khó khăn mà Chính phủ đã đánh giá trong Báo cáo. Tuy nhiên, đề nghị Báo cáo cần đánh giá bổ sung về những tác động của việc thực hiện các chính sách đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Cụ thể, một số Bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục, hạn chế tác động của các Quyết định công nhận các xã, thôn khu vực I, II, III vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2015, đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn nay trở thành xã nông thôn mới, thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ những Bộ, ngành cụ thể nào có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở các địa phương khi triển khai, áp dụng thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Đối với nội dung đánh giá một số nội dung chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 còn thiếu đồng bộ, đề nghị Chính phủ chỉ rõ những nội dung, chính sách cụ thể nào, để trên cơ sở đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ khắc phục.
Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ các nội dung mà Thường trực Hội đồng Dân tộc và các đại biểu đã nêu. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đến thời điểm này, có 99 luật với hơn 280 điều khoản liên quan đến chính sách dân tộc, có 44 chính sách trực tiếp. Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong muốn các đại biểu cho ý kiến để Báo cáo có trọng tâm, trọng điểm hơn. Về hệ thống trường Dân tộc Nội trú, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, sẽ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá căn cơ hơn, xem xét có hợp lý trong giai đoạn mới hay không và sẽ bổ sung nội dung này vào Báo cáo. Đồng thời giải trình làm rõ hơn vấn đề số hóa các chính sách dân tộc.
Đề nghị tiếp thu tối đa các nội dung thẩm tra đối với Báo cáo của Chính phủ
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc (mở rộng) đã hoàn thành chương trình đề ra. Thay mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, các ý kiến tham gia đều giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện sự quan tâm thực chất, trách nhiệm đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc (được Chính phủ giao chủ trì xây dựng báo cáo) và các bộ, ngành trong quá trình chuẩn bị báo cáo.
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, Báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện những nội dung về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022; đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các nội dung thẩm tra đối với Báo cáo của Chính phủ được nêu tại Báo cáo thẩm tra và các ý kiến của đại biểu, trong đó, lưu ý các vấn đề về: (i) phân loại, xác định và sắp xếp chính sách dân tộc; (ii) đánh giá bổ sung việc triển khai chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; (iii) Bổ sung một số số liệu cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay để tăng tính thuyết phục của Báo cáo…
Góp ý hoàn thiện Báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần tập trung đánh giá vào CTMTQG vùng đồng bào DTTS&MN cho rõ hơn. Đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp thu báo cáo thẩm tra, có báo cáo bổ sung để làm cơ sở hoàn thiện về nội dung này, qua đó là cơ sở giúp cho đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, nhìn nhận đầy đủ, khách quan hơn và thể hiện trách nhiệm của các cơ quan làm công tác dân tộc./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75938