Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG

Sáng 8/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức phiên họp thứ 5, trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG năm 2023, kết quả thực hiện 2 tháng đầu năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG chủ trì phiên họp. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Theo báo cáo tại phiên họp, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục; cân đối nguồn lực từ ngân sách Trung ương cơ bản đáp ứng tiến độ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 40.187 tỷ đồng, đạt 61,5%, trong đó giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt hơn 29.383 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân vốn sự nghiệp trong năm 2023 (bao gồm cả dự toán các năm trước kéo dài sang năm 2023) ước đạt hơn 10.804 tỷ đồng, đạt 36,3% dự toán.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 43,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Về phía tỉnh Ninh Bình, từ năm 2022 Ninh Bình là địa phương tự cân đối ngân sách; đồng nghĩa với việc từ năm 2022 tỉnh không được Trung ương bố trí vốn để triển khai thực hiện chương trình. Do vậy, tỉnh Ninh Bình phải chủ động cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương để bố trí triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; đẩy mạnh huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Bình dự kiến nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình MTQG hơn 1.544 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 86,832 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 1.458 tỷ đồng. Các chương trình cụ thể: Xây dựng NTM hơn 1.195 tỷ đồng; Giảm nghèo bền vững hơn 146 tỷ đồng; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 202 tỷ đồng (100% từ nguồn ngân sách tỉnh).

Tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá kết quả thực hiện, nêu những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình MTQG như: Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số nội dung chưa triển khai được do vướng mắc với quy định pháp luật hiện hành. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chưa có hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại một số địa phương (cấp huyện) còn lúng túng. Ngoài ra, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các xã miền núi thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III, khu vực II xuống xã khu vực I sẽ không được hưởng các chế độ an sinh xã hội trong khi điều kiện thực tế tại các địa phương còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra năm 2025 có 80% xã đạt chuẩn NTM.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, nêu cao vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

Để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong năm 2023, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, cơ quan xử lý, có văn bản hướng dẫn trả lời địa phương theo thẩm quyền. Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ đã tổng hợp, báo cáo Quốc hội, qua đó đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải được thực hiện nhanh hơn, đúng hơn và hiệu quả hơn. Các địa phương cần chủ động cân đối, bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG theo quy định; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác.

Minh Đường-Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phien-hop-thu-5-cua-ban-chi-dao-trung-uong-cac-chuong-trinh/d20240308140219370.htm