Phiên tòa xét xử các bị cáo vụ án tại BIDV diễn ra trong 10 ngày

Ngày 26-10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Cty CP chăn nuôi Bình Hà và Cty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng.

HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử là 3 kiểm sát viên thuộc VKSND TP Hà Nội.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật. Ngân hàng BIDV tham dự phiên tòa với tư cách là bị hại.

Có tổng số 29 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại và đương sự tại phiên tòa.

Tòa cũng triệu tập 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 34 người làm chứng đến tham dự phiên tòa. Các tổ chức, cá nhân được triệu tập gồm: UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cty CP Gang thép Thái Nguyên; các DN Bình Hà, Trung Dũng; các thành viên HĐQT, Phân ban tín dụng đầu tư, Tổ thẩm định… của ngân hàng BIDV.

Các bị can trong vụ án.

Các bị can trong vụ án.

Trong số 12 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm, có 8 bị cáo bị VKSND TC truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, VKSND TC chuyển hồ sơ vụ án tới TAND TP Hà Nội để xét xử 12 bị cáo. Tháng 7-2020, tòa đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ việc mua bán khoản nợ tại Cty Trung Dũng (Trung Dũng) giữa BIDV và Cty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); việc BIDV khởi kiện Trung Dũng ra TAND quận Hoàn Kiếm để đòi nợ.

Các cơ quan tố tụng kết luận, từ năm 2008 - 2016, ông Trần Bắc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng. Lợi dụng chức vụ và của mình, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho các DN “sân sau” của mình.

Cụ thể, ông Hà chỉ đạo BIDV cho các Cty Bình Hà và Trung Dũng vay tiền dù cả 2 DN này không đủ điều kiện cấp tín dụng. Được cho vay, 2 DN đã chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân đồng thời tiếp tục gian dối chứng minh vốn tự có - đối ứng với BIDV để được tiếp tục giải ngân. Đến nay, cả Bình Hà và Trung Dũng đều bị thua lỗ, phải dừng hoạt động.

Theo kết quả điều tra bổ sung, do Trung Dũng là khách hàng có nợ xấu nên BIDV đã bán khoản nợ của DN này cho VAMC với giá trị hơn 779 tỷ đồng; thanh toán bằng trái phiếu kỳ hạn 5 năm.

Sau đó, VAMC ủy quyền cho BIDV thu hồi, đòi nợ; quản lý nợ xấu và giám sát bảo đảm có liên quan; xử lý tài sản đảm bảo. Giai đoạn 2017 - 2018, BIDV đã mua lại khoản nợ nói trên từ VAMC do số tiền thu hồi nợ và dự phòng rủi do đã trích cho trái phiếu của VAMC lớn hơn mệnh giá trái phiếu.

Trước khi mua lại nợ, BIDV đại diện VAMC đã kiện Trung Dũng ra TAND quận Hoàn Kiếm để yêu cầu trả toàn bộ số nợ gồm hơn 999 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Tháng 12-2017, BIDV đã thỏa thuận được với Trung Dũng về việc DN này cam kết trả cả gốc và lãi là hơn 1.089 tỷ đồng. TAND quận Hoàn Kiếm đã công nhận thỏa thuận này giữa các bên.

Cũng trong tháng 12-2017, BIDV chi nhánh Hà Thành đại diện cho BIDV tiếp tục kiện Trung Dũng tại TAND quận Hoàn Kiếm nhằm yêu cầu DN này phải trả khoản nợ khác. Sau khi tòa án thụ lý, các bên lại thỏa thuận thành công với nhau, Trung Dũng cam kết trả 429 tỷ đồng và hơn 372 nghìn USD. TAND quận Hoàn Kiếm cũng ra quyết định công nhận thỏa thuận này.

Ngày 18-8, VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị, yêu cầu Hội đồng thẩm phán hủy các quyết định của TAND quận Hoàn Kiếm công nhận thỏa thuận giữa BIDV và Trung Dũng. TAND cấp cao tại Hà Nội sau đó xử Giám đốc thẩm, đồng ý kháng nghị từ VKSND. Do các quyết định hòa giải thành bị hủy, cơ quan truy tố giữ nguyên quan điểm đề nghị xử lý hình sự 12 bị cáo trong vụ án này.

Đ.P

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phien-toa-xet-xu-cac-bi-cao-vu-an-tai-bidv-dien-ra-trong-10-ngay-214142.html