Phiêng Khoài mùa hái quả

Đang vào chính vụ thu hái mận hậu, người dân xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La lên nương từ sáng sớm thu hoạch những trái mận chín đỏ, ngọt lịm. Vụ mận năm nay không chỉ sai quả, mà còn được giá nên bà con rất phấn khởi. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng khắp đồi nương.

Vụ mận năm nay, người dân Phiêng Khoài rất phấn khởi vì cây sai quả, giá bán cao hơn năm 2022. Ảnh: Thu Hằng

Vụ mận năm nay, người dân Phiêng Khoài rất phấn khởi vì cây sai quả, giá bán cao hơn năm 2022. Ảnh: Thu Hằng

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Chúng tôi đến bản Lao Khô 1 trong tiết trời rực nắng. Bản giáp biên này đang chuyển mạnh diện tích trồng ngô truyền thống sang trồng cây mận - loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.

Anh Tráng Lao Minh, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ hồ hởi cho chúng tôi biết: “Năm nay, mận được mùa, giá lại cao hơn năm trước nên bà con ai cũng phấn khởi. Trung bình mỗi cây cho khoảng 50kg quả. Tuy nhiên, trong vườn của tôi có những cây cho 2-3 tạ quả”.

Nhà anh Minh có 1ha mận, bắt đầu cho thu hoạch quả sớm từ tháng 4. “Đầu mùa, tôi bán được 30.000 đồng/kg. Gia đình tôi hái tỉa bán mỗi ngày một ít. Bây giờ vào chính vụ, giá hạ xuống còn khoảng 15.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng/kg” - anh Minh cho biết.

Bản Lao Khô 1 có 133 hộ dân, trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô và lúa nương. Từ năm 2013, người dân trong bản đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất đồi trồng ngô sang trồng cây ăn quả bởi hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cả bản Lao Khô 1 đã có 168ha cây ăn quả, chủ yếu là mận.

Anh Minh làm phép so sánh để chúng tôi thấy rõ: “Nếu chăm sóc tốt, 1ha mận có thể cho thu hoạch 15 tấn quả. Với giá bán 15.000 đồng/kg như hiện nay, 1ha mận có thể mang lại cho người trồng từ 150 đến 190 triệu đồng. Trong khi đó, trồng 1ha thu được 6 tấn hạt, chúng tôi chỉ có thể thu về khoảng trên 25 triệu đồng mỗi năm. Rõ ràng, trồng mận có giá trị kinh tế hơn ngô nhiều. Nhờ cây mận mà chúng tôi có cuộc sống ấm no hơn”.

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày anh Minh thu hái khoảng 2 tạ quả, mang xuống bản Kim Chung bán cho thương lái. “Từ đầu mùa tới giờ, tôi thu được hơn 1 tấn quả. Mỗi ngày tôi thu hái khoảng 2 tạ quả. Nói chung, hái tới đâu, bán hết tới đó. Ngày nào chủ buôn lấy nhiều thì tôi hái nhiều hơn. Tôi dự kiến đến tháng 7 mới thu hái hết mận. Năm ngoái, tôi bán được hơn 100 triệu đồng tiền mận. Năm nay, mận được mùa lại được giá nên tổng thu dự kiến khoảng trên 150 triệu đồng” - anh Minh vui vẻ cho biết.

Cuộc sống sung túc hơn

Không riêng gì anh Minh, nhiều hộ dân khác ở xã Phiêng Khoài có chung niềm vui được mùa mận. Ông Vì Văn Vầu, dân tộc Xinh Mun phấn khởi chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình chúng tôi mỗi năm một tiến bộ nhờ có cây mận. Nhiều gia đình khác ở đây cũng đổi đời nhờ loại cây này”.

Thực sự nói cây mận là cây làm giàu không quá chút nào khi ông Vầu chia sẻ kỹ hơn về cuộc sống gia đình từ lúc còn bần hàn đến giờ. “Trước đây, người Xinh Mun chúng tôi thường du canh, du cư, cuộc sống vô cùng đói khổ. Chúng tôi học theo người Kinh làm nương, trồng ngô, trồng sắn nhưng vẫn không đủ ăn. Qua quá trình học hỏi, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, từ năm 2012, tôi đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng ngô, sắn sang trồng mận. Ban đầu, tôi trồng 100 cây, sau đó, mỗi năm, tôi trồng thêm một ít, đến nay, gia đình tôi có 6ha mận. Giá bán mận tương đối ổn định và không lo về đầu ra nên chúng tôi rất yên tâm. Năm ngoái, tôi thu được 800 triệu đồng từ bán mận. Năm nay, có thể sẽ nhiều hơn do sản lượng nhiều hơn và giá bán cũng cao hơn” - ông Vì Văn Vầu chia sẻ.

Thu nhập từ cây mận đã giúp ông Vầu xây được ngôi nhà khang trang thay thế cho ngôi nhà cũ. Ngoài ra, ông Vầu còn sắm được 2 xe ô tô sang cho 2 con trai.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng mận, ông Vầu cho hay: “Trồng mận phải chịu khó đầu tư phân giống, công sức chăm sóc. Trước đây, chúng tôi chủ yếu chỉ làm cỏ thôi, nhưng bây giờ, chúng tôi đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây mận. Nếu chịu khó tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, đảm bảo cung cấp đủ nước thì cây sẽ cho quả nhiều và to, giòn, mọng. Hiện giờ, chúng tôi sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự động không mất nhiều công sức mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước và tiết kiệm cho cây. Ngoài ra, chúng tôi có áp dụng biện pháp kỹ thuật để kích cho cây ra hoa, đậu quả sớm thành mận trái vụ, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần mận chính vụ”.

Ông Vì Văn Vầu chăm sóc vườn mận của gia đình. Ảnh: Thu Hằng

Ông Vì Văn Vầu chăm sóc vườn mận của gia đình. Ảnh: Thu Hằng

Cũng theo chia sẻ của ông Vầu, với trình độ canh tác kỹ thuật được nâng lên, người dân Phiêng Khoài đã kéo dài được thời gian thu hoạch mận từ hơn 1 tháng trước đây thành 5 tháng như hiện nay. “Chúng tôi thu hoạch mận sớm từ cuối tháng 3, đến tháng 5 là mùa thu hoạch rộ và kéo dài đến tháng 7” - ông Vầu nói.

Gia tăng giá trị kinh tế cho cây mận

Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: “Phiêng Khoài có khí hậu mát mẻ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, chúng tôi thấy cây mận thích ứng rất tốt với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Từ đó, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng mận trên đất dốc. Cho đến nay, cây mận đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc sinh sống ở đây. Đến nay, chúng tôi có khoảng 2.700ha cây ăn quả, bao gồm mận hậu, nhãn, lê, cam canh..., trong đó, diện tích trồng mận khoảng 1.800ha”.

Từ khi bén rễ ở đất Phiêng Khoài, cây mận đã mang lại những đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng mận, ngay cả trong thời điểm có dịch Covid-19. Điều này một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn của người dân Phiêng Khoài khi phá bỏ cây ngô, lúa nương sang trồng mận.

Nói về định hướng trong tương lai, lãnh đạo xã Phiêng Khoài cho biết, xác định mận là cây mũi nhọn, chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật để bà con thay đổi tư duy canh tác, phát triển vùng trồng mận bền vững. Phiêng Khoài cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cho mận ra quả to, chất lượng tốt nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho loài cây này.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phieng-khoai-mua-hai-qua-post462650.html