Philippines ban hành luật áp thuế VAT 12% đối với nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài
Philippines đã có bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thuế khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ký ban hành một đạo luật áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 12% đối với các nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) nước ngoài không có trụ sở tại Philippines nhưng cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng tại đây. Cho tới nay, động thái này đã giúp bảo đảm cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế số, đưa Philippines theo kịp các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Singapore, và Thái Lan, những nước đã áp dụng các quy định tương tự.
Đạo luật Cộng hòa số 12023 yêu cầu mức VAT 12% được áp dụng cho các nền tảng trực tuyến như Netflix, Disney+, Amazon, Shein hay các dịch vụ điện toán đám mây, quảng cáo số và bán hàng hóa số. Tuy nhiên, các dịch vụ giáo dục do các tổ chức, được Bộ Giáo dục (DepEd), Ủy ban Giáo dục đại học (CHED), và Cơ quan Phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật (TESDA) công nhận, sẽ được miễn thuế.
Các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài có doanh thu hàng năm trên 3 triệu peso phải đăng ký với Cục Thuế nội địa (BIR) và chỉ định đại diện địa phương để xử lý nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, Chính phủ có kế hoạch thực hiện luật theo từng giai đoạn. Theo đó, Các quy tắc và quy định thực hiện (IRR) sẽ được ban hành trong vòng 90 ngày, sau đó là thời gian chuyển tiếp 120 ngày để BIR thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để thực thi.
Theo dự báo của Bộ Tài chính, luật mới sẽ mang lại 105 tỷ peso trong 5 năm tới, với 7,25 tỷ peso dự kiến thu được vào năm 2025 nếu đạt tỷ lệ tuân thủ 50%. Đặc biệt, 5% doanh thu thu được sẽ được phân bổ cho ngành công nghiệp sáng tạo, hỗ trợ nghệ sĩ, nhà làm phim và nhạc sĩ Philippines phát triển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại luật mới có thể dẫn đến việc tăng giá các dịch vụ số. Họ cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cần cân nhắc giá cả hợp lý để không mất khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt. Trong khi đó, Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu của luật là bảo đảm sự tuân thủ thuế của các doanh nghiệp, chứ không nhằm gây áp lực lên người tiêu dùng.
Việc thông qua luật này đưa Philippines vào nhóm các quốc gia ASEAN đang tích cực đánh thuế dịch vụ số. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm chống thất thu ngân sách trong bối cảnh toàn cầu hóa kỹ thuật số, bảo đảm các tập đoàn công nghệ lớn đóng góp công bằng vào nền kinh tế địa phương.