Philippines đưa ra quyết định gì khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuột dốc?

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy từ ngày 6-7/9, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. (Nguồn: Báo Công Thương)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. (Nguồn: Báo Công Thương)

Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm 15 USD một tấn so với phiên 5/9 về 628 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD một tấn. Đây là 2 phiên giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 15 USD về 618 USD một tấn, 25% tấm sụt 12 USD về 563 USD một tấn so với hôm 5/9.

Giá gạo xuất khẩu đi xuống được cho là bị tác động bởi lệnh áp trần của Philippines - nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.

Hôm 31/8, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã thiết lập trần giá gạo ở mức 41 Peso (0,72 USD)/kg đối với gạo xay xát thường và 45 Peso (0,79 USD)/kg với gạo xay xát tốt, tương đương 720-800 USD một tấn .

Nguyên nhâp áp lệnh này là do giá bán lẻ trong nước của Philippines tăng nhanh và có tình trạng đầu cơ.

7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất gần 1,94 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, giá gạo nội địa đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Dữ liệu từ VFA cho thấy, giá gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79-254 đồng một kg, tùy loại.

Cụ thể, mỗi kg gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng, gạo 5% tấm là 14.564 đồng, gạo 15% tấm khoảng 14.333 đồng và loại 25% tấm giá 14.033 đồng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VFA ghi nhận ,giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

(theo VFA)

V.A

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/philippines-dua-ra-quyet-dinh-gi-khien-gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-tuot-doc-241308.html