Philippines ưu tiên chiến lược răn đe kết hợp ngoại giao trước căng thẳng Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 9/7 cho biết nước này đang tập trung vào chiến lược răn đe, với sự hỗ trợ của ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh châu Á NEXT Reuters ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cho rằng, không thể có ngoại giao nếu không có một lực lượng răn đe đáng tin cậy. Để tăng cường năng lực phòng thủ bên ngoài, Philippines đang đầu tư hàng tỷ USD để hiện đại hóa quân đội và một phần của kế hoạch đó là mua sắm máy bay chiến đấu đa năng. Mặc dù tàu ngầm nằm trong danh sách mong muốn, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu vào lúc này của Philippines, mà nước này tập trung vào việc vũ khí hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng để duy trì các nền tảng quốc phòng hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro. Ảnh: DND
Bất chấp căng thẳng gia tăng ở điểm nóng khu vực chính là Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cũng bác bỏ lo ngại viễn cảnh về khả năng xung đột có thể sớm xảy ra và cho rằng điều đó phụ thuộc vào các “điều kiện nội bộ” của Trung Quốc. Bộ trưởng Teodoro cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng ASEAN không có phản ứng trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Khối 10 quốc gia Đông Nam Á vẫn đang nỗ lực để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào năm 2022, Phillipines đã ngày càng lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời củng cố đáng kể mối quan hệ với đồng minh truyền thống là Mỹ và các đối tác như Australia và Nhật Bản.
Nhiệm kỳ kéo dài 6 năm của Tổng thống Marcos dự kiến kết thúc vào năm 2028. Bộ trưởng Teodoro tin rằng sẽ rất khó để bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào của Philippines đảo ngược chính sách hiện tại vì nhận được sự ủng hộ của người dân.