Lý do Iraq thay thế hệ thống phòng không Nga bằng tổ hợp Cheongung-II của Hàn Quốc

Iraq chuẩn bị tiếp nhận những tổ hợp phòng không Cheongung-II (KM-SAM Block II) đầu tiên từ Hàn Quốc trong vài tháng tới, đánh dấu bước chuyển lớn trong chiến lược an ninh của nước này.

Hãng tin Shafaq News tiết lộ lô hàng đầu tiên nằm trong hợp đồng trị giá 2,8 tỉ USD được ký kết giữa Bộ Quốc phòng Iraq và công ty quốc phòng LIG Nex1 của Hàn Quốc vào tháng 9.2024. Đây là thương vụ mua sắm hệ thống phòng không lớn nhất của Iraq kể từ sau năm 2003.

Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Thabet al-Abbasi cho biết quá trình chuyển giao sẽ diễn ra theo lịch trình phù hợp với an ninh quốc gia và yêu cầu tác chiến. Hệ thống KM-SAM Block II được thiết kế để đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo tầm trung, sử dụng radar đa chức năng có khả năng phát hiện và theo dõi 40 mục tiêu trong bán kính 100km. Tên lửa sử dụng cơ chế bắn trúng mục tiêu (hit-to-kill), tốc độ tối đa Mach 5, tầm bắn 50km và hoạt động ở độ cao lên tới 20km.

Hệ thống phòng không của hàn Quốc - Ảnh: Army Recognition

Hệ thống phòng không của hàn Quốc - Ảnh: Army Recognition

Theo tạp chí Army Recognition, mỗi tổ hợp Cheongung-II gồm từ 4 - 6 bệ phóng di động, mỗi bệ mang 8 tên lửa, một radar điều khiển hỏa lực và xe chỉ huy. Radar sử dụng công nghệ PESA băng tần X được phát triển dựa trên nền tảng S-400 của Nga.

Đại tướng Tahseen al-Khafaji, Giám đốc truyền thông và hướng dẫn quân sự Iraq, tuần trước cũng xác nhận việc bàn giao đang được triển khai thuận lợi và nâng cấp năng lực phòng không vẫn là trọng tâm trong chiến lược an ninh của chính phủ.

Cheongung-II là hệ thống phòng không thế hệ mới của Hàn Quốc, ra mắt lần đầu vào năm 2011 (Block I), sau đó nâng cấp lên Block II năm 2017. Biến thể Block III với radar AESA và tầm bắn xa hơn đang được phát triển từ năm 2024. Iraq trở thành quốc gia thứ ba ở Trung Đông sở hữu hệ thống này, sau UAE (2022) và Ả Rập Saudi (2024).

Thỏa thuận này là kết quả của quá trình phối hợp giữa các công ty quốc phòng Hàn Quốc, bao gồm LIG Nex1 (nhà sản xuất hệ thống) và Hanwha Group (cung cấp radar và bệ phóng). Hai bên từng bất đồng về lịch giao hàng, nhưng sau các cuộc họp tại quốc hội Hàn Quốc cuối năm 2023 và đàm phán cấp cao đầu năm 2025, mọi khúc mắc đã được tháo gỡ. Gói hợp đồng còn bao gồm cơ sở đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.

Theo Bộ Quốc phòng Iraq, việc mua Cheongung-II nằm trong kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng mạng lưới phòng không tích hợp của Iraq. Video chính thức do bộ này công bố cũng nêu rõ hệ thống phù hợp với điều kiện chiến trường và chiến lược bảo vệ không phận Iraq.

Trước đây, Iraq từng mua hệ thống Pantsir-S1 của Nga vào năm 2014 và cân nhắc mua S-300 hoặc S-400. Tuy nhiên, các rủi ro về độ tin cậy và nguy cơ bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật CAATSA đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn. Ngoài ra, Iraq cũng đang gặp khó khăn trong việc bảo trì trực thăng Mi-17 của Nga và đang thay thế bằng 12 trực thăng Airbus H225M Caracal.

Song song với việc đa dạng hóa nguồn cung, Iraq cũng đã ký thỏa thuận gần 500 triệu USD với Mỹ về thiết bị phòng không và hàng không quân sự hồi tháng 4.2024 trong chuyến thăm chính thức Washington của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani.

Cheongung-II sẽ được tích hợp vào mạng phòng không đa lớp của Iraq, gồm các hệ thống Pantsir-S1, Avenger của Mỹ, Igla-S và pháo phòng không cũ như ZU-23-2 và S-60. Mạng lưới radar cũng được mở rộng với các hệ thống GM403 (Pháp), TPS-77 (Mỹ) và các radar mới mua từ Hàn Quốc, giúp giám sát ở độ cao thấp, trung bình và cao.

Việc tăng cường phòng không của Iraq diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực ngày càng phức tạp. Iran triển khai xe tăng gần biên giới Khuzestan và tấn công tên lửa vào khu vực Kurdistan hồi tháng 1 năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường không kích miền Bắc Iraq nhằm truy quét lực lượng PKK. Từ tháng 10.2023, các căn cứ Mỹ ở Iraq và Syria đã hứng chịu hơn 20 đợt tấn công bằng UAV và rocket, làm dấy lên lo ngại về an ninh hàng không.

Giới chức Iraq cho biết hiện đại hóa hệ thống phòng không là cách để bảo vệ chủ quyền, giảm phụ thuộc vào lực lượng nước ngoài và đối phó với các mối đe dọa từ UAV, tên lửa và các thế lực phi nhà nước.

Hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa này còn đến từ UAE và Ả Rập Saudi - hai quốc gia đã mua hệ thống KM-SAM và có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc. Việc Iraq cũng lựa chọn Cheongung-II mở ra khả năng hợp tác đào tạo, hậu cần và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong khu vực.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-iraq-thay-the-he-thong-phong-khong-nga-bang-to-hop-cheongung-ii-cua-han-quoc-234767.html