Phim 30 phút thắng đậm ở rạp Việt, đạo diễn Gen Z bất ngờ vì 'tệp khách hàng lớn'

'Đàn cá gỗ' được nhận xét là có chất indie trẻ trung, giàu tâm sự của những người trẻ đang đứng trước những ngã rẽ cuộc đời, tìm cách cân bằng giữa cuộc sống và những đam mê cá nhân.

 "Đàn cá gỗ" được đưa ra rạp nhờ MV "Phép màu" được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

"Đàn cá gỗ" được đưa ra rạp nhờ MV "Phép màu" được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Bộ phim thắng giải Cánh Diều Vàng cho thể loại phim ngắn năm 2014 -“Đàn cá gỗ” - được coi là một hiện tượng của rạp Việt mùa Hè năm 2025. Theo Box Office Vietnam, với thời lượng 30 phút, phim đã thu về 4,458 tỷ tiền vé, tương đương hơn 110.000 vé sau một tuần công chiếu.

Bộ phim đã tạo nhiều tranh luận trái chiều trong khán giả nhưng đa phần đều đồng tình phim giống như một làn gió mới giữa loạt phim kinh dị và gia đình đã ùn ùn ra rạp thời gian qua.

Giới chuyên môn cho rằng đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt là tiếng nói điện ảnh mới mẻ, cần được khuyến khích để nền điện ảnh Việt được trẻ hóa và đa dạng hóa, bất kể đi theo hướng độc lập hay thương mại hóa.

Từ phim tốt nghiệp đến tác phẩm chiếu rạp

- Xin chào Đạt. Đâu là ý tưởng để bạn làm nên bộ phim này?

 Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt (người mặc áo nâu) cùng diễn viên Lãnh Thanh trên hậu trường "Đàn cá gỗ." (Ảnh: ĐPCC)

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt (người mặc áo nâu) cùng diễn viên Lãnh Thanh trên hậu trường "Đàn cá gỗ." (Ảnh: ĐPCC)

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Mình và Nguyễn Hùng là bạn từ trước. Hùng hay gửi cho mình nghe nhạc bạn viết. Mình thấy hay, nên muốn làm một phim cho bạn vừa đóng, vừa viết nhạc và vừa hát luôn. Bài “Phép màu” là do mình đặt hàng bạn viết cho phim: Một bản rock ballad có câu guitar ấn tượng ở cuối, với cảnh đánh đàn dưới biển.

Mình thích làm phim ở các bối cảnh khó tiếp cận một chút. Các phim ngắn trước đây mình quay trên núi trên bản rồi, lần này mình muốn quay ở biển - trên một chiếc thuyền đánh cá ở giữa biển Đông.

“Đàn cá gỗ” là phim tốt nghiệp và cũng là để mình tự tri ân chặng đường làm nghệ thuật của bản thân. Trên hành trình ấy có người bạn gái rất ủng hộ quyết định theo đuổi con đường làm phim, mà giờ đã thành vợ mình. Phim được quay ở quê vợ là Quỳnh Lưu, Nghệ An, được làm ra cũng để tặng cho bạn ấy luôn.

Nguyễn Phạm Thành Đạt sinh năm 1998, quê Mộc Châu, là cựu sinh viên ngành Đạo diễn, trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội (khóa 2020-2024). “Đàn cá gỗ” kể về một chàng trai miền biển yêu âm nhạc. Vì cơm áo gạo tiền, anh bám biển nuôi vợ con. Nhưng cá ngày càng ít, việc đánh bắt khó khăn. Được vợ khuyến khích bán thuyền để theo đuổi đam mê, chàng trai bị giằng xé trước quyết định lớn. Giống nhân vật chính, lựa chọn của Đạt với điện ảnh mang nhiều suy tư của người trẻ với khát khao theo đuổi đam mê.

- Có thể thấy đây là phim rất cá nhân đối với Đạt. Khi làm xong, bạn có tính đưa tác phẩm ra rạp không?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Vâng, một bộ phim rất cá nhân thôi. Khi làm phim mình luôn muốn chiếu ở màn ảnh rộng nhưng mình chưa bao giờ có ý định sẽ phát hành nó rộng rãi cả bởi vì những phim ngắn thế này thường chỉ để gửi liên hoan phim thôi.

Sau khi đoạt giải Cánh Diều Vàng, tụi mình mới quyết định phát hành ca khúc “Phép màu” do Hùng viết. Thấy khán giả rất ủng hộ, nhiều người tò mò về phim nên mình quyết định chiếu rạp quy mô nhỏ, chỉ một vài buổi chiếu nhỏ để cho khán giả xem thôi.

Nhưng khi đăng lên mạng xã hội, tụi mình rất được hưởng ứng, nhưng không thể đi xem vì ít vé. Nên tụi mình quyết định tìm cách chiếu rộng rãi hơn. Khi đó có Beta đứng ra nhận phát hành, phim mới được chiếu rộng rãi như vừa qua.

- Để phát hành phim thì quảng bá là công đoạn rất quan trọng. Các bạn đã làm thế nào và đối mặt với những khó khăn gì khi đưa phim ra rạp?

- Để phát hành phim thì quảng bá là công đoạn rất quan trọng. Các bạn đã làm thế nào và đối mặt với những khó khăn gì khi đưa phim ra rạp?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Tụi mình không có nhiều tiền, gần như không có kinh phí cho marketing. Bên phát hành chỉ có thể hỗ trợ những bước như quảng cáo trên fanpage. Tụi mình sau đó cũng chỉ đăng trên trang Facebook, rồi tự đi nhờ các anh em bạn bè đồng nghiệp lan tỏa giúp. Rất may mắn là mọi người đều rất quý bộ phim nên chủ động chia sẻ giúp nhiều.

Khi quyết định chiếu một tuần, tụi mình không tính chiếu thương mại hay để cạnh tranh với các phim khác. Mình rất cố để thương thảo với bên phát hành để các bên rạp chiếu với giá rẻ nhất, 39.000 đồng thôi, để đạt mục đích thuần túy là chuyện để tri ân cho khán giả - những người đã yêu thích “Phép màu” và mọi người muốn xem phim thôi, chứ cũng không có nghĩ gì về chuyện doanh thu phòng vé cả.

- Bạn có thể cho biết tổng kinh phí làm phim tính đến thời điểm hoàn thiện là bao nhiêu không?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Mình không thể nhớ được con số chính xác, giai đoạn quay thì tốn khoảng 600 đến 700 triệu đồng, hoàn toàn là chi phí cá nhân đoàn phim tự bỏ ra. Đến khi phim hoàn thiện thì tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Nhận phản hồi chê nhưng thấy vui

- Được biết bố mẹ của Đạt đều theo ngành y. Quyết định theo nghệ thuật của bạn được bố mẹ đón nhận thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Từ nhỏ đến lớn mình đều học để theo ngành y. Khoảng 2016-2017, mình bắt đầu thử làm video YouTube vui vui cùng mấy anh em bạn bè. Bất ngờ mình thấy rất yêu việc sáng tạo bằng hình ảnh. Đấy là công việc duy nhất mình nghĩ có thể khiến bản thân phấn khích.

Ở Mộc Châu không có rạp chiếu nên không ai biết phim điện ảnh là gì cả. Cách duy nhất để mình tiếp cận điện ảnh là khi xuống Hà Nội chơi với chị gái, được dẫn đi rạp phim. Vậy nên lúc mình nói sẽ theo điện ảnh, cả nhà mình đều rất hoang mang vì họ không hiểu điện ảnh là như thế nào. Về sau gia đình ủng hộ mình hơn.

- Có thể nói “Đàn cá gỗ” đã chinh phục được nhiều khán giả. Trong một số diễn đàn nổi tiếng về chê phim trên mạng xã hội cũng có nhiều sự ủng hộ và chào đón. Nhưng cùng lúc cũng có những phản hồi phim chưa trọn vẹn, hụt hẫng về diễn biến, chưa thực sự mở rộng từ MV đã làm rất tốt trước đó… Bạn đón nhận những phản hồi ấy như thế nào?

- Có thể nói “Đàn cá gỗ” đã chinh phục được nhiều khán giả. Trong một số diễn đàn nổi tiếng về chê phim trên mạng xã hội cũng có nhiều sự ủng hộ và chào đón. Nhưng cùng lúc cũng có những phản hồi phim chưa trọn vẹn, hụt hẫng về diễn biến, chưa thực sự mở rộng từ MV đã làm rất tốt trước đó… Bạn đón nhận những phản hồi ấy như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Trước đây mình làm nhiều phim, chiếu giới hạn và được khán giả rất hưởng ứng. Họ tận hưởng những buổi chiếu ấy. Lần này là một phim được chiếu với lượng khán giả rất lớn, nhận về nhiều ý kiến khác nhau, mình thấy rất vui vì được mở rộng thêm rất nhiều góc nhìn về cách xem phim của khán giả đại chúng.

Về sau mình càng bất ngờ hơn nữa khi có nhiều người khen và bảo vệ phim, rất nhiều người hiểu phim theo đúng hướng mà mình tính. Hóa ra tệp khán giả mà họ thích những phim kiểu như thế này rất nhiều.

Bên cạnh các khán giả trẻ thì cũng có các khán giả lớn tuổi đi xem phim và chia sẻ cảm nghĩ trong các buổi cinetour của tụi mình. Ban đầu mình hơi lo, nhưng hóa ra họ thực sự họ hiểu phim rất sâu và mình cũng rất bất ngờ khi họ thực sự hiểu hết phim, trong đó có bố mẹ mình.

Bên cạnh “Đàn cá gỗ,” Nguyễn Phạm Thành Đạt có phim “Khu rừng của Páo” (2023) đoạt giải nhất cuộc thi “Việt Nam của tôi” do Netflix tổ chức, giải của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nôịcho Phim ngắn xuất sắc nhất, lọt top 20 CILECT (Pháp). Trong năm 2025, Thành Đạt có các dự án “Tàn sữa” lọt top 5 cuộc thi Phim ngắn CJ; “Bò sữa bay” thắng giải phim truyện (Genre Project) hay nhất tại Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng.

- Trong thời gian qua, có thể nói Đạt tương đối là có duyên với các chợ dự án và giải thưởng điện ảnh. Đây chắc hẳn là những nguồn khích lệ quan trọng để bạn tiếp tục có kinh phí làm phim?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: “Trộm vía” mình cũng xin được nhiều quỹ để làm phim. Tất cả đều hướng đến mục tiêu làm phim dài đầu tay, bởi khi so sánh thì phim ngắn không đáng là bao nhiêu so với phim dài cả.

- Đạt có nhắc tới yếu tố may mắn. Bạn có lo sợ một ngày vận may có thể đảo chiều không?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Với mình việc chiếu được “Đàn cá gỗ” đã là một vận may lớn rồi. Nhưng mình luôn tin vào sự sẵn sàng của bản thân. May mắn không tự đến với một người nằm im chờ một món quà được gửi đến. Mình luôn phải ở một tâm thế sẵn sàng, luôn trau dồi bản thân, để khi cơ hội ập đến sẽ lập tức nắm lấy, chứ mình không nói tới một sự may mắn thụ động.

- Chân thành cảm ơn Đạt vì đã chia sẻ./.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú khẳng định một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những phim đạt doanh thu cao, có sức hút ngoài rạp chiếu, phải đa dạng đề tài hơn, đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn.

Nhà quan sát điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) nhận định "Đàn cá gỗ" có chất tâm sự, giống thể loại nhạc indie đang thịnh hành trong một bộ phận khán giả trẻ tuổi.

Anh cho rằng Thành Đạt là tiếng nói điện ảnh trẻ trung, mới mẻ, đáng được khuyến khích để tạo nên sự đa dạng cho điện ảnh Việt. Song sự đa dạng cũng cần đi kèm với chất lượng, ở đó không chỉ cần bản năng mà còn cần kỹ năng của đạo diễn.

“Người làm phim trẻ cần nhanh nhạy với thị trường, rất cần tinh thần cầu thị. Bất kể là phim thương mại hay phim độc lập cũng cần có khán giả. Để làm được việc này cần rất trau dồi rất nhiều để xác lập và mài dũa cái tôi cá nhân, cái tôi điện ảnh,” nhà quan sát này nhận định.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phim-30-phut-thang-dam-o-rap-viet-dao-dien-gen-z-bat-ngo-vi-tep-khach-hang-lon-post1052227.vnp