Phim 'Đại thi hào Nguyễn Du' muốn vào trường học

Sau khi được Cục Điện ảnh cấp phép, phim 'Đại thi hào Nguyễn Du' được công chiếu tại Huế nhân dịp Liên hoan phim lần thứ 22.

Tuy không được giải nào tại đợt liên hoan này, nhưng ê-kíp sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” mong muốn đưa bộ phim thông qua hệ thống trường học. Đó cũng là cách để giới học sinh hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời – sự nghiệp của Đại thi hào dân tộc.

Chi 15 tỉ cho 180 phút

Mới đây ê-kíp sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã có buổi chiếu “chiêu đãi”, giới thiệu phim đến với một số khán giả. Đây là bộ phim tài liệu nghệ thuật có yếu tố ngoại truyện về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du. Phim được thực hiện với nguồn kinh phí 15 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.

Các tác giả kịch bản Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức đã dành nhiều thời gian, tâm sức thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật. Trước khi bắt tay vào làm phim, ê-kíp đã bàn luận, nếu làm phim truyện thì kinh phí quá lớn nên quyết định chọn thể loại tài liệu có yếu tố truyện.

Phim được làm theo lối tài liệu quen thuộc khi sử dụng lời bình và các hình ảnh minh họa, gồm 3 phần: Gia thế và tuổi thơ, Phong trần và thơ ca, Truyện Kiều và lan tỏa.

Phim gồm chuỗi câu chuyện, từ khi Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) năm 1765, cho đến giai đoạn ông làm quan giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ, dưới thời vua Gia Long và mất tại Huế, vào năm 1820.

Phim quy tụ hơn 50 diễn viên vào vai các nhân vật chính yếu, như: Ông tổ họ Nguyễn Nhiêm, ông nội Nguyễn Quỳnh, bố, mẹ, anh trai Nguyễn Nễ, Nguyễn Khản, vợ Đoàn Thị Tộ, anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, ông bà ngoại, và nhiều nhân vật khác. Ngoài ra còn gần 1.000 diễn viên quần chúng.

Bộ phim cũng đề cập mối tình văn chương của Nguyễn Du với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hai tao nhân mặc khách cùng lứa (chênh nhau 7 tuổi). Một là con nhà quý tộc, một là con nhà trâm anh thế phiệt, họ có những khoảng thời gian cùng sống ở kinh thành Thăng Long.

TS Vương Trọng – thành viên ban cố vấn bộ phim cho hay: “Phim tài liệu về Đại thi hào Nguyễn Du làm theo thể loại hoàn toàn mới, tư liệu nghệ thuật, hay nói cách khác là tư liệu truyện. Các thước phim được dựng lại một cách sáng tạo chứ không chỉ dùng hình ảnh tư liệu cũ”.

Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, vì đây là phim tài liệu nên các chi tiết vẫn phải mang tính xác thực cao. Phim dựa trên hai hệ thống nhân vật: Tuyến đầu tiên là những người thân sống quanh Nguyễn Du trong đời thực, tuyến thứ hai là những “người con tinh thần” trong hệ thống của Truyện Kiều.

Phim “Đại thi hào Nguyễn Du” quy tụ hàng nghìn diễn viên quần chúng.

Phim “Đại thi hào Nguyễn Du” quy tụ hàng nghìn diễn viên quần chúng.

Người khen, kẻ chê

Theo đạo diễn Nguyễn Văn Đức, ngay từ đầu ê-kíp sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã xác định bộ phim không làm với mục đích thương mại. Nhà sản xuất mong muốn có thể phát hành thông qua hệ thống trường học, đem những thước phim đến với các thầy cô giáo và học sinh, để nhân lên tình yêu mến với Đại thi hào của dân tộc.

Mặc dù được thể hiện dưới hình thức phim tài liệu, song “Đại thi hào Nguyễn Du” gây ấn tượng với cách kể, cách chuyển tải sinh động. Đặc biệt, từ lời ăn tiếng nói, hành động, suy nghĩ, ứng xử… đều gắn liền với nền nho học, với căn tính dân tộc và truyền thống phong tục.

Sau khi bộ phim được cơ quan quản lý văn hóa cấp phép phổ biến, nhà sản xuất đã lên kế hoạch công chiếu tại Hà Nội và một số địa phương vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, thời điểm này dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh nên việc công chiếu phải hoãn lại.

Cuối năm 2021, bộ phim kịp ra mắt và tranh giải tại “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22” tại Thừa Thiên – Huế, được giới nghiên cứu văn hóa và khán giả đánh giá cao về cả nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du” lại không giành được giải nào trong đợt liên hoan này.

Nhà thơ Mai Văn Hoan - Hội Kiều học Việt Nam, Trưởng chi nhánh Hội Kiều học tại Thừa Thiên - Huế, cho rằng, hơi ngạc nhiên: “Tôi nghĩ một bộ phim tài liệu được dàn dựng công phu như thế, có ý nghĩa như thế mà không được giải là điều đáng tiếc”.

Theo ông Hoan: Do thói quen nghề nghiệp, trình độ, nhận thức, định kiến, các mối quan hệ... nên không phải ban giám khảo cuộc thi nào cũng sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm.

Thực tế cho thấy, biết bao tác phẩm được giải cao trong các cuộc thi đã rơi vào quên lãng. Trong khi đó, “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đương thời chẳng ai trao giải thưởng nào mà cứ sống mãi trong lòng người đọc từ thế hệ này qua thế hệ khác.

“Người xem đánh giá một bộ phim nào đó là dựa trên tính hiệu quả của bộ phim, chứ đâu phải vì đạo diễn, quay phim chuyên nghiệp hay “tay ngang”. Chuyên nghiệp mà nhận thức cũ kỹ, giáo điều, khuôn mẫu, đố kỵ... sao bằng “tay ngang” nhưng dám sáng tạo, dám bứt phá?”, ông Hoan nhận định.

Trái ngược với ý kiến của ông Hoan, nhiều người cho rằng phim đã mắc phải “sai lầm chết người”, vi phạm nguyên tắc về đặc trưng, bản chất thể loại. Do vậy, phim “Đại thi hào Nguyễn Du” pha trộn lẫn lộn giữa thể loại phim truyện hư cấu (Fiction) với thể loại phim tài liệu (Document) khá tùy tiện. Những lời bình rất hay của nhà thơ Vương Trọng đã bị “bật” khỏi bộ phim một cách oan uổng.

“Phim miêu tả kỹ sự thân tình của chúa Trịnh Sâm với quan Thượng thư Nguyễn Khản – người thay cha dưỡng dục cậu Chiêu Bảy, qua đoạn y hệt “phim truyện”: Nguyễn Khản đưa Chiêu Bảy tới gặp Trịnh Sâm. Đây là một trong những đoạn phim gây phản cảm nhất, hạ thấp nhân vật Nguyễn Du khi cho chúa xoa đầu”, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng làm một bộ phim thuộc thể loại tài liệu – nghệ thuật như “Đại thi hào Nguyễn Du” luôn là sự mới mẻ và táo bạo. Hiện thực hóa thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du trong 180 phút được xem là nỗ lực rất lớn từ phía nhà sản xuất.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phim-dai-thi-hao-nguyen-du-muon-vao-truong-hoc-zAIiqaynR.html