Phim 'Sáng đèn': Sâu lắng tình nghệ sĩ

Tình nghệ sĩ trong phim điện ảnh 'Sáng đèn' cứ thế lắng sâu trong từng chi tiết, câu chuyện và chạm đến trái tim khán giả.

Ở Viễn Phương, mãi mãi là những yêu thương, vị tha, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư. Ảnh: Bình Thanh

Ở Viễn Phương, mãi mãi là những yêu thương, vị tha, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư. Ảnh: Bình Thanh

Chuyến diễn xa vì nhớ người đã khuất. Tiếng cười trong nước mắt vì biết con trẻ dần ngấm nghiệp Tổ. Lời chia xa rưng rưng khi gánh hát chẳng thể gượng đến ngày mai…

Tình nghệ sĩ trong phim điện ảnh “Sáng đèn” cứ thế lắng sâu trong từng chi tiết, câu chuyện và chạm đến trái tim khán giả.

Gợi về bao thương nhớ

Với những người yêu sân khấu, nhất là cải lương, khi thưởng thức “Sáng đèn” dường như được trở về cùng bao ký ức thương nhớ năm xưa. Đó là, chỉ cần nghe tin có đoàn nghệ thuật về biểu diễn, nhà nhà thu xếp việc đồng áng, học hành rồi náo nức từ chiều. Xẩm tối, cả làng gọi nhau đi bộ ra sân đình, bãi bóng để nhận chỗ ngồi xem hát.

Đắm mình vào mỗi vở diễn mà nghệ sĩ ca hát cùng gió – mây, trẻ con thì trầm trồ trước các ông hoàng, bà chúa sao mà oai phong, lẫm liệt; những hoàng tử, công chúa sao mà khôi ngô, diễm lệ. Người lớn thì tấm tắc từng câu hát mùi mẫn, rót vào lòng người, cứ như thể dãi bày tâm can cho ai đó vậy.

Rồi đoạn đường cuốc bộ về nhà có khi dài đến 3km mà sao thấy nhanh thế. Cũng vì mải say sưa bàn luận những câu chuyện xoay quanh vở diễn và nghệ sĩ mà ai cũng quên quãng đường xa.

Nhưng, mỗi chuyện đều là bao lời khen nức nở cho đào hay, kép giỏi cùng những tưởng tượng về một đời nghệ sĩ sung sướng, nhàn hạ như vai diễn họ hóa thân chứ không ai phải chân lấm tay bùn để lo toan cuộc sống… Nào mấy ai biết, mấy ai tỏ, phía sau cánh màn nhung ấy là gì.

Vả lại, với khán giả miền Bắc, thường các đoàn về biểu diễn theo hợp đồng với xã, phường nên người dân chỉ việc đến sớm nhận chỗ đẹp rồi ngồi rung đùi thưởng thức. Còn ở phương Nam lại là những gánh hát rong ruổi trên dặm đường thiên lý, dưới sự chèo chống của các bầu show.

Mỗi đợt đi diễn ở đâu đó là muôn trùng nhọc nhằn, không chỉ lo cho vai diễn chỉn chu, tích tuồng hấp dẫn, ngọt ngào mà còn lo chạy xe quảng cáo thu hút sự chú ý để bán được nhiều vé thì mới có cái để tồn tại. Thuận buồm xuôi gió đã là mừng chứ chuyện bị đám đầu gấu quậy phá hay bầu khác kéo mất kép – đào chính là thường tình!

Ngay từ phút mở đầu, “Sáng đèn” đã có những chi tiết đánh thức ký ức đẹp đẽ mà không ít sự nặng lòng ấy – ký ức về gánh hát Viễn Phương có đào thương Kim Yến, kép Vũ Lâm, tay đàn Cảnh Sơn… nổi danh và những tiềm năng như Trúc Linh, Cảnh Thanh… Sao mà không nao lòng khi xem cảnh đoàn biểu diễn trong ngày giỗ của Trúc Lệ, trước giờ khai màn mà khán giả vẫn vắng.

Dù ông bầu bảo: “Hôm nay đám giỗ của Trúc Lệ, phải đàn, hát cho nó vui”, nhưng nghệ sĩ cứ thập thò, mong ngóng, gắng chờ thêm chút, thêm chút... Đã thế, giữa bãi rộng hoang vắng, hun hút bóng đêm ở một miền quê, sân khấu có cánh màn nhung đỏ được dựng cô độc, lẻ loi... Và rồi, họ vẫn hát, vẫn diễn, vẫn khiến khán giả bật cười bằng trò xiếc, hát nhạc mới, lô tô...

Xa xa, ở gò đất cao có bóng lưng hai mẹ con ngồi… xem ké. Điện vụt tắt. Người mẹ mau mắn bảo: “May chưa mua vé vô xem…”. Hình ảnh này tưởng thoáng qua hoặc đem lại chút thư giãn nhưng thực ra mang nhiều gợi nhắc về những ngậm ngùi, bâng khuâng, thậm chí ai đó còn cảm thấy có lỗi.

Nghệ sĩ khó, khán giả cũng khó. Chẳng thể trách ai. Chỉ là, cái khó bó lại trong niềm khát khao được biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật mà chẳng thể… Nếu không được san sẻ, vực dậy mà những hắt hiu ấy cứ kéo dài mãi thì đến một ngày nào đó ngọn lửa kia sẽ dần tắt lịm…

Rồi đoàn Viễn Phương rong ruổi trên những xe bò để về miền Tây biểu diễn khi năm hết, Tết đến. Đường xa xôi, quanh co nhưng lòng người nghệ sĩ thơ thới khi được trở lại và tiếp tục ghé bến, nương bên sân đình cổ kính mà diễn trò mua vui cho người đời.

Thân thuộc biết bao khi được nghe tiếng: “Loa… loa… loa… mời bà con cô bác…” quảng cáo tuồng cổ cùng những ngôi sao đến chói tai suốt đường ngang ngõ dọc. Rồi cảnh khán giả xếp hàng xé vé vào ngồi kín sân đình để khóc cười cùng nghệ sĩ…

Bước vào không gian này, dù chỉ đôi hay ba tiếng thôi nhưng nó trở thành liều thuốc tinh thần quý giá giúp mọi người gạt đi mọi bộn bề cơm áo gạo tiền, nhường chỗ cho tâm hồn được thư thái thăng hoa cùng câu đàn, tiếng hát...

Từ Hà Nam lên Hà Nội và được con cháu cho đi xem phim, bà Nguyễn Hằng đã ngẫu nhiên chọn “Sáng đèn” với tinh thần ủng hộ phim Việt. “Khi bộ phim khép lại, tôi thầm cảm ơn các nghệ sĩ đã đem đến cho tôi những phút giây trở về với quãng ký ức tươi đẹp mỗi lần được cùng mẹ đi xem chèo, cải lương ở sân đình.

Sau mỗi buổi, chúng tôi còn lưu luyến mãi với vở diễn và nhớ mãi nụ cười, ánh mắt của từng nghệ sĩ. Từ những thước phim được tái hiện đầy chân thực và xúc động, tôi thấy lòng mình thêm ấm áp trong bao kỷ niệm thức dậy…”, bà Nguyễn Hòa cho biết.

Cháu bà Hòa, Minh Thùy, chia sẻ: “Lần đầu tiên, cháu được thấy cách các gánh hát về biểu diễn ở thôn quê đầy lạ lẫm nhưng được bà ngoại giải thích nên dần cảm nhận được. Thực ra, câu chuyện được kể cách đây khoảng 30 năm vậy mà với chúng cháu cứ như thể rất xưa rồi. Nếu có dịp nào đó được một lần đi xem sân khấu ngoài trời ở đình làng hay bãi bóng như thế thì thật thú vị đối với cháu”.

Phim 'Sáng đèn' gợi về bao ký ức thân thương. Ảnh: Bình Thanh

Phim 'Sáng đèn' gợi về bao ký ức thân thương. Ảnh: Bình Thanh

“Còn đây tiếng nhạc, cung đàn…”

Trước khi ông bầu tuyên bố Viễn Phương rã gánh, ông Cảnh Sơn vừa đàn vừa hát: “Còn đây tiếng nhạc, cung đàn; còn màn nhung còn tổ nghiệp, còn hơi sức để trên đời. Ân tình nhả tơ trọn vẹn, thác rồi còn vương mối tơ, mơ màng sân khấu cũ xưa...”.

Tiếng hát da diết, ai oán của người nghệ sĩ nặng lòng với nghiệp tổ như xé ruột gan những người gắng trụ lại: Bà Hai, ông Bầu, Cảnh Thanh, Mỹ Hường, Như Lệ Thủy, Tựa Minh Vương, Tèo… Bởi lẽ, sự rã gánh này là cực chẳng đã chứ chẳng ai muốn rời xa, chia ly sân khấu.

Dù mỗi người mỗi nơi, có khi còn là những con người mồ côi, không gia đình, không người thân thích nhưng khi tụ lại Viễn Phương thì họ sống và gắn bó với nhau chẳng khác gì ruột rà.

Đó cũng là nút thắt của “Sáng đèn”, nó làm người xem – nhất là với những ai thấu hiểu về thăng trầm của sân khấu kịch hát dân tộc – không khỏi xót xa rơi lệ.

Thực ra, bộ phim này không thiếu tình huống hài hước chọc khán giả bật cười, kiểu như cậu Tèo đột ngột chui từ trong hòm trên xe bò ra rồi luyến tháu kêu rằng trốn mẹ cha mà theo gánh hát và đòi làm kép chính hay cô Tư Phượng – bà chủ tiệm vàng – vì quá mến mộ mà giữa bao người cứ nằng nặn đòi gần gũi với kép Vũ Lâm.

Rồi cả gánh hát thung thăng vui tươi trên xe bò về với làng quê hay ông Bầu cùng ngôi sao Kim Yến gắng quảng bá thật “xôm” trò diễn cho buổi tối ở sân đình suốt dọc đường làng… Thêm nữa, màu sắc lãng mạn cũng được phủ lên bằng câu chuyện tình ái đầy trắc trở giữa Vũ Lâm với Kim Yến, Cảnh Thanh với Trúc Linh.

Nhưng, dù có “trốn” vào những gam màu tươi tắn, hấp dẫn đó thì màu chủ đạo của “Sáng đèn” vẫn là những canh cánh, âu lo của người nghệ sĩ đêm ngày gắng gỏi giữ tổ nghiệp.

Ngoài việc phải sáng tạo, thăng hoa trong từng đêm diễn để giữ chân khán giả thì họ còn mang biết bao lo toan cho cuộc sống cũng như phải đối diện với không ít thị phi, cạm bẫy, tráo trở…

Sau đêm diễn lấp lánh ánh hào quang của những ông hoàng, bà chúa, đào và kép chính thì nhận đánh véc ni thuê; kép phụ thì bốc vác gạo… Giữa thời kịch hát dân tộc “lép vế” với các loại hình giải trí khác, nếu được lao động chân chính, lấy sức người để nuôi tiếng hát, tiếng đàn thì họ vẫn sẵn lòng.

Nhưng không, ở đó luôn có biết bao cạm bẫy, cám dỗ vẫn đang rình rập… Thế nên, tai ương này chưa qua tai ương khác đã đổ xuống đầu khiến cho dù gắng hết sức họ cũng không thể giữ Viễn Phương.

Vậy nhưng, với những người nghệ sĩ chân chính, trước mỗi bước ngoặt, dù phải lựa chọn thế nào đi chăng nữa, kể cả chẳng còn được hát ca thì điều cuối cùng họ muốn bảo vệ là tình nghệ sĩ nói riêng và tình người nói chung.

Ví như Vũ Lâm nhất quyết từ chối lời mời sang hát với gánh khác dù được trả lương cao nhưng cuối cùng lại lựa chọn về với Tư Phượng. Ấy là vì bước ngoặt người thương của anh bị tai nạn vì đám côn đồ gây rối buổi biểu diễn. Anh gác lại tình riêng để cứu cô khỏi cơn nguy kịch và cứu gánh hát sắp tan.

Hay đào trẻ Trúc Linh gắng đứng ra chèo chống cho gánh lúc gặp nguy khốn nhưng chẳng may bị bọn đểu cáng lừa bịp, cô nuốt hận, bỏ lại tình yêu, một mình ra đi. Cảnh Thanh chỉ nhận hợp đồng khi có cha nuôi Cảnh Sơn chơi đàn cùng vì với chàng trai mồ côi này ông là cha đẻ và Viễn Phương là tổ ấm…

Dẫu gánh hát Viễn Phương tan rã nhưng tình nghệ sĩ vẫn luôn bền chặt, sắt son. Ảnh: Bình Thanh

Dẫu gánh hát Viễn Phương tan rã nhưng tình nghệ sĩ vẫn luôn bền chặt, sắt son. Ảnh: Bình Thanh

Ở họ, mãi mãi là những yêu thương, vị tha, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để gắng giữ cho tri âm, tri kỷ một cuộc sống bình an và có nơi để cất tiếng hát, cung đàn. Vì họ hiểu và luôn tin, với người nghệ sĩ: “Sân khấu là cuộc đời, lời ca tiếng hát là máu thịt.

Cuộc đời thì có lúc gặp khó khăn chứ đã là máu thịt thì lo gì không làm lại được” (lời ông Bầu). Và: “Tổ nghề đã chọn. Nghề có khi bỏ được chứ cái nghiệp nó đeo theo mình suốt cả cuộc đời. Nhưng tôi tin là tổ nghiệp không bao giờ bỏ anh em chúng ta. Cùng ráng lên nha, ông bầu” (lời ông Cảnh Sơn).

Kể cả khi gánh hát rã, mỗi người phải bươn chải với công việc riêng, từ bán vé số đến shipper, làm bảo vệ hay đi hát đám ma, đám cưới, hội nghị… thì họ vẫn nhớ về nhau và trân trọng cái tình nghệ sĩ được xây đắp từ những tháng ngày dẫu đầy đắng cay, nhọc nhằn nhưng hạnh phúc ấy. Ngày giỗ của đồng nghiệp được lấy là giỗ chung để họ có thể trở về mà gặp gỡ, hàn huyên cứ như thể những cánh chim trở về với tổ và luôn được đón chào.

Tất nhiên, “Sáng đèn” không phải chỉ là khúc ca hoàn mỹ về đời nghệ sĩ, khi ở đó còn có những chuyện buồn lòng về kẻ từng nghĩ cạn phá ngang, về những xốc nổi của tuổi trẻ và sự cả tin đến ngây thơ…

Bởi vậy, phim đã thành công khi đưa khán giả bước vào đời sống nghệ sĩ một cách giản dị, chân thực và buồn trong hài hước, lãng mạn. Nhưng, nếu bố cục được gọn ghẽ hơn bằng việc lược bớt không ít chi tiết chỉ để gây cười mà chưa đắt giá, nhất là cái kết có phần khiên cưỡng thì sẽ hoàn chỉnh và bớt cảm giác lê thê…

Phim điện ảnh “Sáng đèn” (đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường) có sự tham gia của NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, Bạch Công Khanh, Trúc Mây, Lê Phương, Tiêu Minh Phụng, Lê Trang, Tuấn Dũng, Lam Tuyền... Câu chuyện xoay quanh quá trình gánh hát nổi danh một thời Viễn Phương dù rất nỗ lực thay đổi từ diễn tuồng cổ sang trích đoạn, hát tân cổ, kết hợp xiếc, nhạc nhẹ, lô tô… nhưng vẫn ế khách và dần tan rã. Dẫu vậy, niềm say nghề và cái tình nghệ sĩ ở đây luôn bền chặt, sắt son.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-sang-den-sau-lang-tinh-nghe-si-post677099.html