Phổ biến chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và Luật Thủ đô 2024

Sáng 29/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề 'Phổ biến chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và Luật Thủ đô 2024'.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Tham gia giải đáp câu hỏi của đội ngũ cán bộ công đoàn, cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) có các chuyên gia: Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) Khu vực I; bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP Hà Nội.

Đặc biệt, tham dự buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách còn có gần 300 cán bộ công đoàn, CBGVNV trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.

Phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cuộc đối thoại không chỉ là thông điệp mà còn thể hiện tinh thần đồng hành của công đoàn với những người đang đóng góp trí tuệ, công sức của mình vào sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Các thầy cô giáo không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người định hướng, vun đắp nhân cách cho các thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, các chính sách dành riêng cho lĩnh vực giáo dục cần được thiết kế phù hợp, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của từng cá nhân trong ngành. Về tiền lương, các cơ chế mới đang hướng tới việc nâng cao thu nhập, đảm bảo tính công bằng và tương xứng với cống hiến của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục.

Trong khi đó, BHXH cũng là một trong những vấn đề cốt lõi, không chỉ bảo đảm quyền lợi an sinh cơ bản mà còn hỗ trợ giáo viên khi gặp những rủi ro trong cuộc sống. Riêng với Luật Thủ đô 2024, những cơ chế đặc thù dành cho người lao động tại Thủ đô, bao gồm ngành giáo dục, đã và đang đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất.

Các chuyên gia tại buổi đối thoại.

Các chuyên gia tại buổi đối thoại.

Chia sẻ về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội tại các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, bà Vũ Minh Huyền cho biết, Luật Thủ đô 2024 đánh dấu sự phát triển của Thủ đô và cũng là tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới. Khoản 3 Điều 15 của Luật Thủ đô 2024 ghi rất rõ: cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.

Thực tế hiện nay, từ năm học trước, TP đã áp dụng đơn giá thí điểm dịch vụ giáo dục, đây là bước quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, và điều này vẫn trong quá trình thí điểm, và những đơn vị thực hiện thí điểm đơn giá dịch vụ giáo dục này chưa được coi là đơn vị vị sự nghiệp đảm bảo ngân sách chi thường xuyên nên không phải đối tượng của áp dụng Nghị quyết 46.

Tuy nhiên, Nghị quyết 46 hiện nay cũng đang chỉ được thực hiện thí điểm trong 12 tháng sau đó sẽ có đánh giá cụ thể để điều chỉnh. Vì thế, đề nghị các anh chị nếu thấy có những vấn đề bất cập thì có thể tập hợp, phản ánh đến với Công đoàn cấp trên trực tiếp, qua đó phản ánh đến cơ quan chức năng để tổng hợp, nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá những tác động của Nghị quyết trong thực tiễn và phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho TP điều chỉnh, ban hành chính sách phù hợp hơn.

Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Chia sẻ về trường hợp lương hưu của cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập tương đối thấp, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, trường hợp này chúng ta thuộc đối tượng đóng BHXH cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp còn đối với cán bộ công chức nhà nước thì được tính bình quân 5 năm cuối, do hưởng theo thang bảng lương của Nhà nước, có quy định 3 hay mấy năm nâng lương một lần nên sẽ có cách tính khác.

Với trường hợp đóng BHXH theo hợp đồng lao động thì tính bình quân cả quá trình, Nhà nước có hệ số điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm cho những trường hợp đóng theo HĐLĐ lương do chủ sử dụng lao động quyết định. Bà Dương Thị Minh Châu lưu ý bản thân người lao động khi ký hợp đồng lao động cần lưu ý mức lương chúng ta đang lựa chọn để ký, bởi có rất nhiều trường hợp lương đang cao hơn nhiều so với đóng BHXH.

Khi lựa chọn mức lương đóng BHXH thấp chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% hay 5% như quy định trước đây thì khi về hưu thì lương sẽ luôn thấp, nếu đóng đủ theo tất cả các khoản tiền lương đang nhận khi được điều chỉnh lên thì sẽ cao. Khi tiền đóng BHXH cao thì được hưởng lương cao.

Chia sẻ về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô 2024, chuyên gia Phạm Thị Thanh Hương thông tin, Điều 16 Luật Thủ đô 2024 quy định về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài ở Thủ đô. Việc thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện như sau: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP.

Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP quy định. HĐND TP được giao quyết định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Luật Thủ đô giao người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chisnht huộc UBND TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các vị trí, nhóm nghiệp vụ chuyên ngành phục vụ chun cho cơ quan đó. TP đang giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng 2 Nghị quyết về chính sách trọng dụng nhân tài trình HĐND TP vào tháng 7/2025. Do hiện nay Luật Cán bộ công chức đang sửa đổi, Sở Nội vụ đề xuất báo cáo TP năm 2026 sẽ trình HĐND TP để ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết thu hút trọng dụng người có tài năng; Nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực cao của Thủ đô.

Trong thời gian buổi sáng, đã có hơn 30 câu hỏi của các thầy, cô giáo, người lao động ngành giáo dục gửi tới các chuyên gia. Đây là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn triển khai các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, rất khó khăn, phức tạp, liên quan mật thiết đến nhân viên, giáo viên, người lao động ngành giáo dục trong tời gian vừa qua. Các ý kiến đã được chuyên gia giải đáp thỏa đáng, qua đó giúp các cán bộ giáo viên, nhân viên hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách liên quan đến bản thân mình.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/pho-bien-chinh-sach-ve-tien-luong-bao-hiem-xa-hoi-va-luat-thu-do-2024-417247.html