Phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên (HSSV) và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.

Phần thi hùng biện của thí sinh tại hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội do Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức.

Xác định rõ điều này, nhiều năm qua Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa thường xuyên giáo dục cho HSSV ý thức thực hiện các hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Nhà trường đã thực hiện chương trình giảng dạy bắt buộc môn pháp luật đối với tất cả các lớp học nghề (15 tiết cho trình độ trung cấp, 30 tiết cho trình độ cao đẳng). Ngoài ra, mỗi nghề có thêm chương trình dạy pháp luật liên quan riêng. Ví như nghề kế toán học 30 tiết luật kinh tế; nghề điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy học 30 tiết luật công ước hàng hải; nghề chăn nuôi - thú y học 30 tiết luật thú y...

Với học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tại trường đăng ký học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, nhà trường định hướng cho các em chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật trong các môn tự chọn để học chính trong chương trình. Theo đó, mỗi khối lớp đều học 70 tiết và có thể chọn thêm chuyên đề học tập của môn với thời lượng 35 tiết/năm.

Đặc biệt, trong năm 2023, nhà trường tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội với 50 thành viên tham gia, được chia thành 4 đội. Cô Lâm Thị Hương, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Các bài dự thi được sân khấu hóa là kênh tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể HSSV các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội một cách gần gũi, dễ hiểu. Qua đó truyền tải những hiểu biết về pháp luật một cách sinh động, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật cho HSSV trong trường.

Em Mai Thị Hà Trang, SV khoa nông lâm nghiệp, cho biết: Hội thi là dịp để chúng em có cơ hội giao lưu, học hỏi, giúp chúng em hiểu biết hơn kiến thức cơ bản về pháp luật. Từ đó biết tôn trọng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tự chủ được các hành vi của mình trong các mối quan hệ liên quan đến các nội dung đã được học, phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc ứng xử chung của cộng đồng và của xã hội. Thực hiện tốt các nội quy, quy định của trường, lớp; tránh xa các tệ nạn xã hội; hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật.

Là đơn vị đào tạo công lập khối ngành sức khỏe duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa luôn chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho SV. Chị Trần Thị Thủy, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, cho biết: Ngay từ khi nhập học, thông qua tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa, các bạn SV đều được phổ biến về quy chế quy định, quyền, nghĩa vụ, các chế độ, chính sách đối với SV, bao gồm: Các văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của SV; các quy chế, quy định về đào tạo, công tác Đoàn, Hội; an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; ứng xử văn hóa; ứng xử văn hóa trên mạng xã hội... Hướng dẫn SV tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động, các chương trình văn hóa - văn nghệ, các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội. Ngoài ra, đoàn thanh niên nhà trường còn phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua trang web. Phối hợp với Sở Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) và UBND phường Đông Vệ tổ chức hội thi phổ biến pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội cho SV. Trong môn học pháp luật, nhà trường mời đại diện các phòng chức năng Công an tỉnh xuống trao đổi trực tiếp với SV...

Thực hiện Kế hoạch số 221/KH-UBND, ngày 11-10-2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2027; văn bản hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chính trị đầu khóa của HSSV năm 2023 của Sở LĐ-TBXH, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở GDNN đã tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và HSSV. Tổ chức 10 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cơ sở GDNN. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của HSSV. Hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật cho HSSV nói riêng, nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động nói chung trong các cơ sở GDNN.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/pho-bien-giao-duc-phap-luat-trong-cac-nbsp-co-so-giao-duc-nghe-nghiep/194671.htm