Phổ biến, quán triệt và thông tin tình hình công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân
BHG - Sáng 29.3, Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt và thông tin tình hình khu vực, thế giới; chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; công tác ngoại giao nhân dân, cơ hội và các thách thức với tỉnh Hà Giang. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Anh Sơn, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và cán bộ, chuyên viên làm công tác đối ngoại của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn cảm ơn Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Hà Giang trong công tác đối ngoại nhân dân và công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài thời gian qua. Đồng chí thông tin một số kết quả nổi bật trong phát triển KT – XH của tỉnh năm 2023 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 36,8 triệu đồng/năm (tăng 3,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2022); toàn tỉnh đã có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 3 triệu lượt khách; 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, trọng tâm là đẩy mạnh thi công các dự án trọng điểm, các dự án giao thông có tính kết nối, lan tỏa tới phát triển vùng, liên vùng và địa phương, nhất là dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn điểm lại một số kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, khó khăn trong công tác đối ngoại của tỉnh. Qua đó, đồng chí khẳng định, hội nghị là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cập nhật kiến thức, có cái nhìn rõ nét hơn về tình hình thế giới, tranh thủ thời cơ hội nhập, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của con người Hà Giang, kêu gọi, vận động các nguồn viện trợ hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh...
Tại hội nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Giang báo cáo kết quả triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh quan hệ hợp tác từ cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Benguet (Philippin); với thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki (Nhật Bản); với quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc). Tham gia các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương; đẩy mạnh quan hệ với Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, ký kết Thỏa thuận khung hợp tác với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB). Tỉnh đã tiếp nhận và triển khai 250 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại (NGO), ký kết mới 119 chương trình dự án với kinh phí cam kết là 22,3 triệu USD (tương đương 523 tỷ đồng); riêng trong quý I.2024, tỉnh đã ký và làm thủ tục tiếp nhận trên 10 chương trình, dự án với nguồn viện trợ ký kết tài trợ trên 3 triệu USD...
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường, có 34/34 xã, trấn biên giới, 6 cặp huyện, thành phố ký kết hữu nghị với phía đối đẳng Trung Quốc,12/12 đồn biên phòng ký kết nghĩa “đồn-trạm hữu nghị, biên giới bình yên”. Tỉnh cũng đã thành lập Hội Hữu nghị Việt – Lào, Việt – Trung và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang.
Hội nghị dành thời gian nghe Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phan Anh Sơn trao đổi các thông tin liên quan đến tình hình thế giới, các chủ trương, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng, Nhà nước; hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thức đối với địa phương. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng xác định nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại bao gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nhiệm vụ của đối ngoại là phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết truyền thống đối ngoại của dân tộc, những tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm lớn về đối ngoại của Đảng ta đó là: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” - “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”...