Phổ biến tình trạng khan hiếm lao động có tay nghề ở nam Đồng bằng sông Hồng

Thiếu lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao diễn ra phổ biến tại các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng nhiều năm qua. Các doanh nghiệp mỏi mắt tìm kiếm nhưng nguồn nhân lực hiện nay rất khan hiếm, nhất là lao động qua đào tạo.

Một giờ thực hành tại Trường cao đẳng Nghề Thái Bình. (Ảnh: MAI TÚ)

Một giờ thực hành tại Trường cao đẳng Nghề Thái Bình. (Ảnh: MAI TÚ)

Ông Tô Xuân Cảnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh sứ Hảo Cảnh (Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Hiện nay, tại các doanh nghiệp xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Như đơn vị tôi cần lao động phổ thông và lao động chuyên ngành, nhưng không có, mặc dù chúng tôi trả lương rất cao, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, môi trường làm việc văn minh, dây chuyền thiết bị rất hiện đại”. Ông Cảnh dẫn chứng, một doanh nghiệp trên địa bàn vừa qua buộc phải tuyển khoảng 200 lao động từ một số tỉnh miền núi phía bắc xuống làm việc.

Đại diện Công ty May TAV (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cho biết: Doanh nghiệp đang cần tuyển 200 lao động, nhưng thời gian qua chỉ vớt vát được vài chục người. Chúng tôi có chính sách rất hấp dẫn như lao động nào giới thiệu được người đến làm việc được thưởng ngay 5 triệu đồng; còn lao động mới vào làm việc được thưởng 10 triệu đồng, thậm chí có thời điểm thưởng 15 triệu đồng nhưng vẫn không tìm được đủ nhân lực phục vụ sản xuất cho đơn vị.

Tại tỉnh Nam Định, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như Bảo Minh, Hòa Xá, Mỹ Thuận đang ưu tiên tuyển các vị trí quản lý kỹ thuật, lập trình viên, kỹ sư điện tử, kỹ thuật công nghệ dệt may hiện đại… Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, hiện các doanh nghiệp đang thiếu khoảng từ 18.000 đến 20.000 lao động, chủ yếu trong các ngành may mặc, giày da và điện tử.

Nguyên nhân khó khăn trong tuyển dụng lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nam Định được xác định là việc đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn quá thấp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường yêu cầu lao động biết ngoại ngữ, kỹ năng mềm và khả năng sử dụng phần mềm chuyên ngành, nhưng các trường đào tạo nghề hiện nay trên địa bàn chưa làm được điều này.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn QMH Computer (Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Nam Định), thuộc Tập đoàn Quanta Computer Inc chuyên sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi cho hay: Đơn vị dự kiến cần tuyển gần 1.500 lao động chất lượng cao trong năm nay, hiện đã tuyển được 800 người. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng khá khó khăn, vất vả vì tại Nam Định số lượng quản lý có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện tử rất ít, chủ yếu lao động tại đây làm việc trong ngành may mặc, giày da.

Công ty đặt ra yêu cầu đối với lao động chất lượng cao phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, có kỹ năng sử dụng công nghệ và phần mềm chuyên ngành, có khả năng giao tiếp tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc. Do địa bàn tỉnh Nam Định không đáp ứng được yêu cầu nên thời gian qua công ty phải mở rộng tuyển dụng ở các địa phương như thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Tại tỉnh Hà Nam, trong phiên giao dịch việc làm ngày 15/3 vừa qua, 27 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động, nhưng cả ngày chỉ có 191 người đến giao dịch. Điều này cho thấy rõ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng nguồn cung lao động hiện nay khan hiếm.

Chị Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn May Kim Bình (tỉnh Hà Nam) cho biết: Chúng tôi tuyển lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong ngành may vì người lao động có xu hướng dịch chuyển sang ngành điện tử. Thời gian tới, đơn vị buộc phải lên những tỉnh vùng cao như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để tìm kiếm lao động phục vụ sản xuất.

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, bình quân mỗi tháng địa phương có hơn 1.000 người tham gia mới vào thị trường lao động. Những ngành nghề tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực cao vẫn là dệt may, da giày, điện tử, dịch vụ du lịch.

Đặc biệt những doanh nghiệp lớn lúc nào cũng cần tuyển dụng từ vài trăm đến hàng nghìn lao động, trong khi lực lượng lao động trong độ tuổi ở Hà Nam không tăng, đây thật sự là bài toán khó khi cung và cầu có sự chênh lệch quá lớn.

Bà Trần Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Nhu cầu lao động lớn như vậy thì trong tỉnh khó đáp ứng được, đầu năm nay chúng tôi đã kết nối được với các tỉnh bạn ở phía bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, rồi kết hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực để mời gọi lao động về ứng tuyển”.

Theo khảo sát, các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng thời gian qua đang phát triển nóng về công nghiệp với việc hình thành Khu kinh tế Thái Bình, Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Đồng Văn mở rộng nên cần rất nhiều lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Thực tế, khi mời gọi thu hút đầu tư, địa phương nào cũng “quảng bá” có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng đi vào hoạt động, một loạt các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp FDI) than phiền về việc thiếu lao động chất lượng cao trong ngành điện, điện tử.

Theo khảo sát, các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng thời gian qua đang phát triển nóng về công nghiệp với việc hình thành Khu kinh tế Thái Bình, Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Đồng Văn mở rộng nên cần rất nhiều lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

Thực tế, khi mời gọi thu hút đầu tư, địa phương nào cũng “quảng bá” có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng đi vào hoạt động, một loạt các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp FDI) than phiền về việc thiếu lao động chất lượng cao trong ngành điện, điện tử.

Các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cơ sở vật chất khá khiêm tốn, thậm chí lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Giữa chính quyền địa phương, các trường dạy nghề và doanh nghiệp không có tiếng nói chung, chưa nhìn về một hướng nên không có nhiều kết quả hay sản phẩm cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất.

Thời gian dài vừa qua, giữa các doanh nghiệp (lĩnh vực dệt may, da giày) có sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút lao động, ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng dây chuyền sản xuất ở những công ty lớn, có thương hiệu, có uy tín.

Nhìn nhận rõ những hạn chế, tồn tại đang hiện hữu bấy lâu nay trong đào tạo và cung ứng lao động cho thị trường, các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng đã và đang có một loạt cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút học viên vào các trường nghề như miễn học phí; tổ chức phân luồng học nghề ngay từ khối lớp 9 và lớp 12 trong các trường phổ thông.

Một số địa phương như ở tỉnh Thái Bình đã bắt tay vào việc đào tạo theo hướng “đặt hàng” giữa doanh nghiệp và nhà trường, trong đó chính quyền địa phương sẽ là “bà mối” để kết nối.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-bien-tinh-trang-khan-hiem-lao-dong-co-tay-nghe-o-nam-dong-bang-song-hong-post881202.html