PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI ĐẶNG THUẦN PHONG LÀM VIỆC VỚI GIÁM ĐỐC VĂN PHÒNG TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
Chiều 18/10, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong làm việc với đoàn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) do bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam làm trưởng đoàn.
Cùng dự có Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Thị Hồng An.
Đoàn chuyên gia gồm bà Karen Curtis - Trưởng phòng Quyền tự do hiệp hội, Cục Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, Văn phòng ILO tại Geneva (NORMES); ông Tim De Meyer - Cố vấn cao cấp về các Tiêu chuẩn quốc tế, NORMES; ông Alain Pelce - chuyên gia cao cấp về Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế và Luật Lao động, tổ hỗ trợ kỹ thuật về Việc làm thỏa đáng khu vực Đông Á - Đông Nam Á và Thái Bình Dương; ông Arun Kumar - Chuyên gia về Thương lượng tập thể và Đối thoại xã hội Tổ hỗ trợ kỹ thuật về Việc làm thỏa đáng khu vực Đông Á - Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Xã hội có trách nhiệm thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp tháng 10/2023; Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi) trong năm 2024, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời Ủy ban cũng sẽ tham gia thẩm tra việc xem xét, gia nhập Công ước số 87 về tự do liên kết và bảo vệ quyền của tổ chức, Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu, Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội. Đây là những vấn đề liên quan rát nhiều đến nguồn lực lao động, quyền lợi của người lao động và tạo việc làm thỏa đáng.
Ủy ban Xã hội luôn đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của ILO trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ cho Ủy ban Xã hội trong thời gian qua, đặc biệt trong việc xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ủy ban Xã hội xác định hợp tác với ILO trong lĩnh vực thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế là rất quan trọng. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, những hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng công việc mà mỗi bên đảm trách.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội mong muốn, ILO sẽ tiếp tục chia sẻ thêm quan điểm, kinh nghiệm giải quyết những thách thức đang đặt ra hiện nay đối với việc làm thỏa đáng như: Việc chuyển dịch từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; việc làm thỏa đáng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, nhất là khi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 chưa phục hồi như mong muốn; những ưu tiên của phía ILO dự kiến sẽ làm việc, chia sẻ, hợp tác với Ủy ban Xã hội nói riêng và Quốc hội Việt Nam nói chung.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen cho biết, trong thời gian tới, để hoạt động hợp tác một cách toàn diện, hai bên có thể tiến hành một số hoạt động hợp tác như hỗ trợ về mặt kỹ thuật để tổ chức Hội nghị, Hội thảo tham vấn ý kiến, tư vấn về mặt chính sách, cung cấp các chuyên gia có kinh nghiệm trong quá trình Ủy ban thẩm tra các dự án Luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách; mời Ủy ban Xã hội tham dự Hội nghị, Hội thảo quốc tế để học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, xây dựng các chính sách thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách; chia sẻ những thông tin, ấn phẩm, những nghiên cứu của ILO về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; nâng cao năng lực, chuyên môn chuyên sâu cho đội ngũ tham mưu, giúp việc Ủy ban Xã hội bằng việc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về các nội dung liên quan tới Luật Công đoàn (sửa đổi); lao động có việc làm phi chính thức; bảo hiểm xã hội; quyền tự do hiệp hội của người lao động…
Một số hình ảnh cuộc làm việc:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81062