Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Dự án tu bổ Chùa Cầu được làm bài bản, khoa học và thận trọng

GS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là một trong những dự án tu bổ di tích được làm bài bản, khoa học và thận trọng nhất từ trước đến nay.

Những ngày vừa qua, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản - Lai Viễn Kiều ở TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng di tích bị làm mới sau cuộc đại trùng tu. Dưới góc độ chuyên gia, GS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã dành cho Tổ Quốc cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu (ảnh Đức Hoàng)

Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu (ảnh Đức Hoàng)

+ Thưa PGS.TS Đặng Văn Bài, câu chuyện tu bổ Chùa Cầu đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Là một chuyên gia từng được tham vấn về dự án, theo ông, việc tu bổ di tích Chùa Cầu được thực hiện như thế nào?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Trước hết, cần khẳng định, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là một trong những dự án tu bổ di tích được làm bài bản, khoa học và thận trọng nhất từ trước đến nay.

Vì sao tôi nói vậy? Vì việc tu bổ Chùa Cầu có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với các nhà khoa học Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ VHTTDL) và các chuyên gia quốc tế. Dự án được triển khai từng bước như nghiên cứu, xây dựng dự án, hạ giải thi công, làm nhà bao che. Thời gian tôi nhớ là khoảng 5 năm.

Cũng hiếm có dự án tu bổ di tích nào tổ chức 5-6 hội thảo khoa học như dự án tu bổ Chùa Cầu. Trước khi thực hiện dự án là bàn về tu bổ thân cầu hay vòm cầu, hạ giải hay không hạ giải, đang hạ giải thì hội thảo bàn về việc thay hay không thay cấu trúc, làm mặt cầu cong hay không cong… Tôi thấy tinh thần cầu thị của UBND TP Hội An là rất đáng khen ngợi.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong quá trình tu bổ Chùa Cầu cho phép khách tham quan đi trên nhà bao che để quan sát người thi công tháo dỡ, hạ giải, tu bổ di tích. Chưa dự án tu bổ di tích nào mà khách tham quan du lịch được tận mắt nhìn công nhân đang hạ giải ở dưới, đó là điều rất đáng biểu dương của việc thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Tôi cũng được biết, sau khi hoàn tất dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, hồ sơ hoàn công công trình này từ khâu đầu đến khâu cuối sẽ được in thành sách coi như một hồ sơ di sản để 50-70 năm sau các thế hệ khác có "bệnh án" về Chùa Cầu nếu như cần những giải pháp về tu bổ đặt ra thời điểm sau này.

+ Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu đang được (hay bị) làm mới, trẻ hóa di sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Dư luận cho rằng trẻ hóa di sản là chưa thấu hiểu cặn kẽ về việc trùng tu Chùa Cầu. Theo nghiên cứu, xưa kia Chùa Cầu có nhiều màu, nhưng các nhà khoa học chọn màu nào. Điểm nữa, rêu phong nấm mốc có hai mặt, một mặt tạo cho người xem, du khách ấn tượng cổ xưa, cổ kính. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, đó là yếu tố gây hại cho di sản. Rêu mốc làm thối vữa, mủn gạch và công trình lại xuống cấp. Cho nên, định kỳ, chúng ta đều phải quét sơn lại di tích. Quét sơn thì phải như mới, vài năm sau lại rêu phong. Đây là việc được nghiên cứu chứ không phải ai thích màu gì thì sơn lên.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ, cũng giống như việc trùng tu biệt thự Pháp ở phố Trần Hưng Đạo, đều được thực hiện đúng nguyên mẫu di tích, rất bài bản nhưng dư luận không hiểu lại cho rằng làm mới di tích.

Điều tôi băn khoăn là việc nghe dư luận thì TP Hội An lại sơn màu trắng ở dưới thân cầu. Qua cuộc phỏng vấn này, tôi mong cộng đồng hiểu sự đóng góp to lớn của người dân Hội An, chính quyền Hội An, các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản đối với việc trùng tu Chùa Cầu.

Thậm chí, tôi mong trong tương lai, dự án này còn nhận được giải thưởng quốc tế trong tu bổ di tích. Hội An đã nhận giải thưởng khu vực châu Á- Thái Bình Dương về dự án bảo tồn khu phố cổ. Nếu dự án tu bổ Chùa Cầu được trình bày bài bản thì việc đoạt giải thưởng này là trong khả năng.

Diện mạo Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu (ảnh Đức Hoàng)

Diện mạo Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu (ảnh Đức Hoàng)

+ Tuy nhiên, phải chăng việc dư luận quan tâm đến việc trùng tu Chùa Cầu cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy người dân ngày càng yêu mến di sản văn hóa, thưa ông?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Đúng, nếu không quan tâm thì họ không có ý kiến! Nhưng tôi mong là phê bình, góp ý phải trên tinh thần xây dựng. Chúng tôi hoan nghênh và cảm động khi di sản văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm, yêu mến của người dân. Tuy nhiên, với việc phê bình, góp ý cho công tác trùng tu di tích, chúng ta cũng cần nhìn nhận cặn kẽ, khoa học và thấu đáo chứ việc tu bổ thực hiện công phu mà bị "ném đá" là làm mới di tích thì cũng làm nhụt chí khí của người thực hiện.

Tôi được biết, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trong 5 năm, công ty tu bổ cũng có trên 30 năm thực hiện tu bổ các ngôi nhà cổ, di tích ở Hội An, người thực hiện cũng là người Hội An, chứ không phải là người mới không biết gì. Họ có đầy đủ kinh nghiệm. Tôi nghĩ tình yêu di sản cần thể hiện đúng cách sẽ phù hợp hơn.

PGS.TS Đặng Văn Bài: dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là một trong những dự án tu bổ di tích được làm bài bản, khoa học và thận trọng nhất từ trước đến nay

PGS.TS Đặng Văn Bài: dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là một trong những dự án tu bổ di tích được làm bài bản, khoa học và thận trọng nhất từ trước đến nay

+ Trên thực tế, thời gian trước đây, nhiều di tích ở các địa phương bị tu bổ theo kiểu làm mới?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Tôi nghĩ không có hiện tượng "làm mới" này đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Vì việc tu bổ được thực hiện tuần tự qua nhiều bước chặt chẽ. Đặc biệt, tu bổ như thế nào cũng trên nguyên tắc là giữ được yếu tố gốc và tính bền vững lâu dài.

+ Vâng, quay trở lại cái gốc của vấn đề, phải chăng, cần thực hiện nhiều hơn nữa việc tuyên truyền về công tác trùng tu, bảo tồn di sản đến người dân?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Như tôi đã nói ở trên, khi thực hiện dự án, địa phương đã tổ chức 5-6 hội thảo và đều có mời truyền thông, báo chí tuyên truyền. Tuy nhiên, công tác thông tin về dự án thì tôi không rõ.

Có điều, tôi vẫn khẳng định, chúng ta cứ biểu lộ tình yêu với di sản nhưng phải tìm hiểu, không nên vội vàng kết luận là di sản bị "giết chết" như kiểu dư luận vừa qua.

+ Xin cảm ơn PGS.TS Đặng Văn Bài!

Hà An (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/pho-chu-tich-hoi-dong-di-san-van-hoa-quoc-gia-du-an-an-tu-bo-chua-cau-duoc-lam-bai-ban-khoa-hoc-va-than-trong-2024073122545666.htm