Phó Chủ tịch nước dự khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2025
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội).
Hôm nay (3/2), tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2025. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tới dự và phát biểu tại lễ khai mạc.
Ôn lại truyền thống lịch sử khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá.
“Đó cũng là bài học “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần làm chủ của Nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, phụ nữ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân.
Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đưa đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng...
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ: Tổ chức Lễ kỷ niệm 1.985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.
Trước đó, từ ngày 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi).
Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là "giao kiệu".
Cùng thời điểm này, từ Đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành Hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung - một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi đi đến ngã tư cổng Đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về Đình làng (với ý nghĩa: Hai Bà Trưng đi kinh lý về thăm quê hương). Đoàn rước kiệu về đến cổng Đình làng thì kiệu bà Trưng Nhị dừng lại sang bên phải đường để kiệu bà Trưng Trắc đi vào sân Đình trước (giao kiệu).
Sau đó, dân làng tổ chức tế lễ tại đình làng từ chiều ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng với ý nghĩa là để chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 6 đến 10 tháng Giêng, năm Ất Tỵ.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi lại tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2025:
Tại lễ kỷ niệm, còn diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Âm vang Mê Linh" nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị.