Phó Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri tại An Giang

Ngày 4/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp xúc cử tri của huyện Châu Thành, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Phó Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới với cử tri trong tỉnh.

Qua nghe báo cáo của các đại biểu Quốc hội, cử tri đã vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà Quốc hội, Chính phủ, tỉnh An Giang đã đạt được thời gian qua. Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ các ý kiến về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, song tại địa phương, các doanh nghiệp vẫn e ngại về rủi ro trong việc liên kết chuỗi giá trị,

Các cử tri cũng thắc mắc, hiện nay vẫn còn tình trạng "được mùa mất giá" và thiếu thông tin thị trường, Trung ương có biện pháp gì để tăng cường bảo vệ lợi ích của nông dân trước biến động thị trường, đặc biệt là việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm về giá cả và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cử tri phản ánh, năm 2024, chi phí để mua bảo hiểm y tế đã tăng lên mà việc tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là trong việc bảo hiểm chi trả cho các dịch vụ y tế cần thiết.

Cử tri kiến nghị các lĩnh vực liên quan đời sống.

Cử tri kiến nghị các lĩnh vực liên quan đời sống.

Hiện tại trên thị trường, có 3 nhà xuất bản cho 3 bộ sách giáo khoa: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Nên thống nhất với các nhà xuất bản về nội dung thành 1 bộ sách và cho phép nhiều nhà xuất bản in bộ sách này, như thế giá cả cũng ổn định hơn nhiều.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước giải thích làm rõ những ý kiến cử tri địa phương phản ánh.

Đồng chí cho biết, với những ý kiến thuộc thẩm quyền của tỉnh và địa phương giao cho tỉnh, địa phương giải quyết, các ý kiến còn lại, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội ghi nhận, tiếp tục đóng góp ý kiến tại các diễn đàn phù hợp.

Gợi mở định hướng phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí cho rằng, An Giang có thế mạnh về nông nghiệp nên địa phương tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng từng vùng.

Đại đa số người dân sống dựa vào nông nghiệp, cho nên cần phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, từng bước hình thành và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp thực tế từng địa phương.

Bài toán về nông nông nghiệp không phải vấn đề riêng của An Giang, mà là vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả đất nước. Nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng, có nhiều chiến lược để phát triển. Làm sao để có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững cũng là bài toán mà địa phương cần phải tính toán. Trung ương và Quốc hội đưa ra những chính sách mang tính chất vĩ mô, tổ chức triển khai thực hiện lại phụ thuộc vào từng địa phương, trách nhiệm, năng lực điều hành tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và đặc biệt là của bà con nhân dân.

Giáo dục và y tế liên quan đến đời sống người dân; lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện: hoàn thiện về chính sách, hoàn thiện về pháp luật và cả về cách tổ chức thực hiện phải tốt hơn, hiệu quả hơn để người dân tiếp cận được các chính sách này; hưởng được sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa một cách tốt nhất.

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-chu-tich-nuoc-tiep-xuc-cu-tri-tai-an-giang-post834891.html