Phó Chủ tịch Quốc hội: Giám sát để mở đường phát triển
Cho rằng, giám sát là từ đòi hỏi cấp thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với nguyên tắc của hoạt động giám sát là phải đảm bảo vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm.
Ngày 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị "Một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi) - Các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân" do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức tại Nhà Quốc hội.
Luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ hiểu
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi toàn diện luật, chuyển từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sang Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi) là thực hiện trên tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau khi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các quy định về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân là rất phù hợp để từng bước hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 8, trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các bài viết, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Đây là tài liệu có nghĩa rất quan trọng để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động giám sát, giám sát phải thường xuyên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới về tư duy xây dựng và thực thi pháp luật, hoạt động giám sát có vị trí ngày càng quan trọng hơn, gắn với thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong kỷ nguyên mới.
"Giám sát là từ đòi hỏi cấp thiết, tăng cường phân cấp, phân quyền và giám sát để mở đường phát triển trong kỷ nguyên mới. Cho nên tư duy đổi mới, tư duy làm luật chúng ta phải phải hết sức lưu ý", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng đề nghị cần chú trọng, lưu ý 8 yêu cầu trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đó là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, nhất là quyền con người, quyền công dân có liên quan đến các quy định trong Luật bảo đảm kỹ lưỡng và chặt chẽ.
Đồng thời khắc phục được những bất cập mà các đại biểu đã phát biểu, thảo luận ở Quốc hội và các hội nghị.
Cùng với đó, đổi mới xây dựng pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm là luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; cơ bản không quy định các nội dung về quy trình, thủ tục và các nội dung có tính biến động cao.
Vì vậy, cần phải giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết để quy định và hướng dẫn cụ thể hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, phù hợp với từng thời kỳ vận động của lịch sử.
Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội rà soát, biên tập lại chương 1 chỉ tập trung vào khái niệm, nguyên tắc, thẩm quyền, quyền và trách nhiệm của chủ thể và đối tượng giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khái niệm phải trả lời được 4 câu hỏi "Là cái gì? Ai làm? Làm như thế nào? Và kết quả ra sao?".
Đồng thời cho rằng, khái niệm "Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân" là một phương thức kiểm soát quyền lực là có lý.
"Có nhiều phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước, chủ yếu như: kiểm soát nội bộ; kiểm soát giữa cơ quan có quyền lực Nhà nước; kiểm soát của nhân dân; kiểm soát của các tổ chức chính trị-xã hội; kiểm soát tư pháp; kiểm toán, thanh tra, điều tra…, vì vậy không có lý gì mà giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân không phải là một phương thức kiểm soát quyền lực", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân có 3 mục đích: hoàn thiện pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước; xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ cơ sở phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, tiếp thu để làm rõ khái niệm hoạt động "Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân".
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với nguyên tắc của hoạt động giám sát là phải đảm bảo vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm… Từ thực tế giám sát của các Tổ Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quy định Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giám sát trong dự thảo luật.
Đồng thời, phù hợp với tinh gọn bộ máy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, khi bỏ HĐND cấp huyện thì cần nghiên cứu nhiệm vụ nào chuyển cho HĐND cấp xã, nhiệm vụ nào chuyển cho HĐND cấp tỉnh, để quy định về giám sát cho phù hợp, nhất là về quyền hạn và trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, về phương thức giám sát, phải phù hợp, khoa học, tiết kiệm chi phí và nhân lực nhưng bảo đảm mục tiêu giám sát.
Bên cạnh đó, lưu ý việc phân cấp phân quyền trong hoạt động giám sát; phân công phối hợp trong hoạt động giám sát đảm bảo rành mạch.
Đồng thời cũng lưu ý, các quy định trong luật phải thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là các luật mà Quốc hội vừa sửa đổi gần đây, để mở đường cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới.