Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự Hội thảo 'Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường'
Chiều 15/7, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo 'Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường'. Hội thảo phục vụ nội dung giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành'. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự, điều hành và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự và điều hành hội thảo có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành; Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường”
Chung tay xây dựng một nền nông nghiệp xanh – hiện đại – trách nhiệm – hội nhập quốc tế
Hội thảo ghi nhận nhiều tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn cao, tập trung vào các vấn đề cấp thiết để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, bước đầu hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn với bảo vệ môi trường. Các thông tin đưa ra tại hội thảo đã thể hiện đầy đủ, toàn diện bức tranh về các kết quả đạt được của ngành nông nghiệp sau 04 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Qua trao đổi thảo luận, các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo tồn hệ sinh thái bền vững, đặc biệt phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó các đại biểu kiến nghị: Phải có chính sách sản xuất tuần hoàn, quy hoạch nền sản xuất chuyên nghiệp, cần giữ đất trồng lúa và giữ từng tự nhiên, có chính sách bảo vệ đối với những cây trồng vật nuôi có giá trị cốt lõi, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng quy trình canh tác tiên tiến, thay đổi công nghệ hướng tới môi trường xanh; Đặc biệt có cơ chế chính sách nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng sản xuất quy mô lớn lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Các đại biểu phát biểu trao đổi thảo luận

Các đại biểu phát biểu trao đổi thảo luận
Theo các đại biểu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và yêu cầu cắt giảm phát thải khí nhà kính ngày càng trở nên cấp thiết, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm phát thải là hoàn toàn cần thiết. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần tăng cường truyền thông và đào tạo kỹ thuật cho nông dân, thiết kế các gói hỗ trợ tài chính phù hợp, và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường các-bon trong nước. Có ý kiến đại biểu cho rằng, thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp không chỉ là một giải pháp kỹ thuật đơn lẻ, mà là một định hướng chiến lược liên ngành, kết nối chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, và nâng cao thu nhập - đời sống nông dân. Đây cũng là bước đi tất yếu để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các xu thế kinh tế xanh toàn cầu và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa thiết thực để cùng nhau trao đổi, chia sẻ các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, hài hòa với công tác bảo vệ môi trường – một vấn đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Hội thảo càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong bối cảnh nông nghiệp xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, và Việt Nam đang tích cực triển khai các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu
Đánh giá cao các tham luận tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cũng nêu lên một số định hướng lớn được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định trong thời gian tới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể: Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và giám sát môi trường, thúc đẩy mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững trên nền tảng thế mạnh vùng miền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và vai trò trung tâm của người nông dân, mở rộng hợp tác quốc tế. Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế nhằm huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo tính rõ ràng, khả thi và đồng bộ; bổ sung nguồn lực ngân sách, công nghệ và cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ các mô hình sản xuất sạch, tuần hoàn, sinh thái; phát huy vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ môi trường và phục hồi đất đai; xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường số, phục vụ hiệu quả cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ đồng hành cùng các cấp, ngành, viện – trường, doanh nghiệp và người dân, chung tay xây dựng một nền nông nghiệp xanh – hiện đại – trách nhiệm – hội nhập quốc tế.
Gợi mở các vấn đề về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất xanh
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường” trong khuôn khổ giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đồng thời nhấn mạnh, Hội thảo không chỉ là một diễn đàn học thuật ý nghĩa mà còn là cầu nối quan trọng để các ý tưởng sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát và góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, xanh sạch, bền vững và hài hòa với thiên nhiên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận hội thảo
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường chính là một mô hình sản xuất toàn diện, nhằm đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, đằng sau những thành tựu là những thách thức lớn không thể bỏ qua, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt.
Gợi mở các vấn đề về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất xanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng: Nông nghiệp tuần hoàn không bắt đầu từ đỉnh cao, mà từ nền móng; Quan trọng nhất là không tạo ra rào cản bằng ngôn từ hàn lâm, mà phải làm cho người nông dân hiểu được, làm được, cảm thấy vui khi làm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao phải thiết thực, dễ hiểu, dễ làm. Nhấn mạnh, các trường, viện nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị các trường, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần bổ sung nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo chính quy từ các giải pháp phi công nghệ đến giải pháp công nghệ; Trong các bộ môn trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phải lồng ghép cụ thể kỹ thuật tuần hoàn, kỹ thuật xử lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, tái sử dụng phụ phẩm; Soạn giáo trình không chỉ cho sinh viên, mà cho cả bà con nông dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu gợi mở các vấn đề về phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Dẫn chứng các kinh nghiệm từ thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất mà mọi người đều có thể làm ngay. Đồng thời, không thể chờ hoàn thiện thể chế, ngân sách đủ đầy mới bắt tay vào việc. “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phải bắt đầu từ: Từng hộ nông dân làm được việc nhỏ nhất. Từng cán bộ khuyến nông nói ngôn ngữ dễ hiểu nhất. Từng trường, viện nghiên cứu giải pháp thiết thực nhất”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan nghiên cứu như Học viện Nông nghiệp Việt Nam và toàn xã hội để biến những đề xuất quý báu tại hội thảo hôm nay thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng, xanh sạch và bền vững. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các thành viên Đoàn giám sát chắt lọc những vấn đề cốt lõi thu nhận được từ Hội thảo để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo giám sát cũng như hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách một cách kịp thời và đồng bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, tới đây Quốc hội sẽ tiếp tục ưu tiên sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để tháo gỡ rào cản, hỗ trợ đầu tư xanh và tăng cường giám sát thực thi, đảm bảo nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn góp phần thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia đến năm 2045./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95045