Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự Phiên họp toàn thể thứ 12 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Sáng 28.4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội (22 Hùng Vương, Hà Nội), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Thường trực và các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội và đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Tại Phiên họp lần này, Ủy ban tiến hành thẩm tra 5 dự án Luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tạo động lực, không gian mở rộng cho đổi mới sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh: 5 dự án Luật Ủy ban tiến hành thẩm tra lần này đều là những dự luật có liên quan trực tiếp, tạo nền tảng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, giao thông và môi trường trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu dành thời gian nghiên cứu sâu, góp ý thẳng thắn vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn để thảo luận trước Quốc hội; bảo đảm tính khả thi của dự án Luật theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững. Do đó, trong quá trình góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật cần thể hiện theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, lồng ghép những nội dung mới, để pháp luật không chỉ là khuôn khổ pháp lý mà còn là cơ sở để tạo động lực, không gian mở rộng cho đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho tăng trưởng của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bám sát cách tiếp cận xây dựng dự thảo luật theo quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đó là kiến tạo không gian phát triển, không để pháp luật trở thành rào cản, trói buộc những ý tưởng sáng tạo, những bước tiến của công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp
Giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động khoa học
Trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, dự án Luật gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật, nên về hình thức có nhiều thay đổi so với Luật hiện hành.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trình bày Tờ trình dự án Luật
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3.8.2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7.2024 (và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Cụ thể, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường phổ biến tri thức khoa học, công nghệ.
Nhằm kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo đã bổ sung chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Dự án Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, nội dung dự án Luật đã thể hiện quyết tâm cao trong việc tạo dựng thể chế để đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với đầy đủ 6 nhóm chính sách được nêu tại Tờ trình số 262/TTr-CP. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật đã được nêu trong hồ sơ dự án Luật.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đặc biệt là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.
Tiếp tục bám sát tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, theo đó, các quy định phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, chú trọng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực thi, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo; tạo cơ chế đột phá để doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu cơ giữa trường, viện, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng.
Cùng với đó, cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của Luật để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành; dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “nội dung nào cũng quản” hoặc “không biết mà vẫn quản”.
Tăng cường giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật và đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ...
Có ý kiến đề nghị, cần có các quy định về cơ chế tài chính phù hợp cho các tổ chức khoa học, công nghệ trọng điểm, được đầu tư thực hiện vai trò chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, nhất là ngành công nghệ cao cho quốc gia, địa phương thay vì áp dụng cơ chế tài chính chung như các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công khác; tăng cường giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu để tạo cơ chế linh hoạt, thích ứng nhanh, bắt kịp với sự phát triển của công nghệ trên thế giới.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung về Quỹ Phát triển Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế phân bổ, chi tiêu cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến từ đợt thẩm tra sơ bộ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm cơ bản về hồ sơ, nội dung theo quy định. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới đây theo quy trình một kỳ họp.
Về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, Ủy ban thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW và các chủ trương lớn của Đảng, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, đồng thời tạo hành lang pháp lý thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính của phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thẩm tra, tiếp tục bổ sung các thông tin cần thiết để phục vụ ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín.