Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với 2 Bộ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chiều 27.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021' đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với 2 Bộ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với 2 Bộ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Cùng tham dự có các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản…

Bảo đảm điều kiện, nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, theo quy hoạch ngành than, dầu khí, Ngân hàng Nhà nước không được giao nhiệm vụ cụ thể. Dù vậy, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành năng lượng tiếp cận vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Đánh giá về nguồn vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian tới, nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư hạn chế, vốn ngân sách hầu như không có. Do đó, nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng vẫn chủ yếu là vốn vay thương mại trong và ngoài nước.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lồng ghép đưa các nội dung xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì. Các Luật và Nghị định này đã đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên sử dụng vốn ODA đối với việc phát triển năng lượng, góp phần tạo điều kiện để phát triển năng lượng đồng bộ, cân đối và bền vững; góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến phát triển năng lượng đảm bảo thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển, sử dụng, sản xuất năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chính sách thuế được quy định hợp lý hơn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển năng lượng sạch; chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường góp phần hạn chế sử dụng các năng lượng không tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính sách liên quan giá năng lượng (điện, giá xăng dầu, than) được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài hiện còn chưa thống nhất chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), chủ đầu tư (EVN và doanh nghiệp do EVN sở hữu); hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng là cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo các Tập đoàn thuộc lĩnh vực năng lượng (PVN, EVN, TKV, Petrolimex) xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển tuân theo định hướng phát triển, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Ủy ban cũng tích cực tham gia góp ý, lấy ý kiến, phối hợp với các bộ ngành trong quá trình xây dựng quy hoạch, Chiến lược, Kế hoạch phát triển dài hạn về phát triển năng lượng của các Tập đoàn thuộc Ủy ban; hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp trong việc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan…

Chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách cho tương lai

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản tán thành với Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc huy động nguồn lực để phát triển năng lượng, thực hiện các quy hoạch liên quan, vì dù các cơ quan đã đưa ra nhiều giải pháp (tín dụng xanh, trái phiếu xanh, các hợp tác đối tác công tư…) nhưng để thực hiện các quy hoạch năng lượng đòi hỏi phải huy động nguồn lực rất lớn. Do đó, cần có cơ chế hữu hiệu để huy động đủ vốn cho các dự án nguồn điện ưu tiên, đặc biệt cho một số dự án nhiệt than cấp thiết trong giai đoạn đến năm 2030. Cơ chế huy động vốn tư nhân vào lưới điện và trình tự thủ tục bàn giao tài sản, lợi nhuận của nhà đầu tư khi bỏ vốn vào đầu tư lưới điện truyền tải...

Có ý kiến lưu ý, định hướng phát triển ngành điện là tiến tới thị trường bán lẻ điện, khi đó EVN sẽ không còn là đơn vị độc quyền. Do vậy, chính sách giá điện nói riêng và tài chính năng lượng nói chung cần có định hướng cho thị trường bán lẻ, đòi hỏi Bộ Tài chính cần có nghiên cứu và định hướng xây dựng chính sách cho tương lai.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã gửi đến Đoàn giám sát nhiều kiến nghị thiết thực, cung cấp thêm dữ liệu để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo, gửi đến Đoàn giám sát trước ngày 3.8 tới. Trong đó, lưu ý, bổ sung làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong phát triển năng lượng, nhất là để xảy ra những tồn tại, yếu kém, trì tệ, thậm chí sai phạm; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; nêu kiến nghị cụ thể với Đoàn giám sát…

Nêu yêu cầu cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ việc để những bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra phát hiện; chậm khắc phục sự cố của một số nhà máy điện, không đạt kế hoạch tái cơ cấu ở một số doanh nghiệp…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch gây khó khăn nhất định trong thực hiện dự án đầu tư; chậm xử lý chồng chéo giữa quy hoạch điện lực và kế hoạch sử dụng đất; chưa huy động vốn ngoài Nhà nước với các dự án đầu tư lưới điện; chú ý sử dụng vốn ODA trong điều kiện mới, phù hợp với các cam kết quốc tế, COP26…

Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát để báo cáo với cấp có thẩm quyền cân đối nguồn lực cho phát triển năng lượng; làm rõ bất cập, hạn chế trong cơ chế giá điện, chi phí sản xuất điện, những khó khăn và thách thức trong huy động ODA cho các dự án điện…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong các cơ chế, chính sách về đầu tư công, tài sản công; đánh giá kỹ hơn nguồn huy động và khả năng huy động vốn cho thực hiện Quy hoạch điện 8. Ngân hàng Nhà nước báo cáo bổ sung các giải pháp tín dụng dài hạn, phù hợp cho phát triển năng lượng, các dự án kéo dài, thua lỗ, thực hiện chuyển dịch năng lượng.

Tin và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-chu-tri-lam-viec-voi-2-bo-ngan-hang-nha-nuoc-va-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-i338167/