Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội thảo Đối thoại quốc gia về chuyển dịch năng lượng bền vững

Chiều 22.11, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại quốc gia về Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Đặc biệt, ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Để thực hiện Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ Philipp Munzinger tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ Philipp Munzinger tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia thông qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội Việt Nam mong muốn các đối tác của Đức và Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy thực hiện các cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, tri thức, kỹ năng quản trị cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam luôn mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Hội thảo sẽ là diễn đàn mở để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi về kế hoạch, định hướng, thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cam kết về phát thải ròng. Thông qua Hội thảo cũng sẽ thu nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vai trò của Quốc hội CHLB Đức.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, đồng thời, bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường là một xu hướng tất yếu ở quy mô toàn cầu mà Việt Nam đã kịp thời nắm bắt và thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là quá trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập cả ở góc độ chính sách, quản trị, tài chính, công nghệ và đòi hỏi phải có được một kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) phù hợp, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, tác động chính, kinh nghiệm quốc tế; hiện trạng chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, nhất là trong quy hoạch phát triển một số phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí; những thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp. Đánh giá tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và thực trạng phát thải khí nhà kính; lộ trình, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe kinh nghiệm của CHLB Đức, Indonesia và các nước khác trong khu vực về Lộ trình chuyển dịch năng lượng hướng tới Net-zero; vai trò của khoa học, công nghệ, tài chính trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; định hướng và kế hoạch đạt mục tiêu Net-zero năm 2050…

Đa số đại biểu cho rằng, các quyết tâm, cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Các đại biểu đánh giá cao tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam; cho rằng, đây là nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết. Một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng lúc này là duy trì đà tăng trưởng và phát huy thành quả đã đạt được một cách nhanh chóng và có chiến lược phù hợp hơn trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng, để chuyển dịch thành công sang năng lượng sạch cần bảo đảm sự công bằng, toàn diện và bền vững trong mọi khía cạnh. Đồng thời, nhấn mạnh, việc chuyển dịch sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay, hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan nhà nước để thực hiện những thay đổi cần thiết trong tất cả các lĩnh vực liên quan trong tổng thể nền kinh tế.

Tin và ảnh: Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-du-hoi-thao-doi-thoai-quoc-gia-ve-chuyen-dich-nang-luong-ben-vung-i308769/