PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN DỰ THẢO BÁO CÁO VÀ NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
Sáng 22/4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự cuộc họp của Thường trực Ủy ban Xã hội với một số chuyên gia về dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội về 'Việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng'.
Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề về y tế cơ sở, y tế dự phòng cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện một số cơ quan hữu quan.
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đã trình bày nội dung cơ bản dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Tham gia thảo luận tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid – 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng rất thiết thực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Do vậy, các chuyên gia kỳ vọng Nghị quyết về chuyên đề giám sát của Quốc hội phải thực sự đột phá, khả thi và tạo ra hiệu quả thực tiễn trong 5 năm tới. Nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội nên ngắn gọn, không trùng lặp, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, đơn vị liên quan và đề ra giải pháp rõ ràng, cụ thể.
Theo đó, cần khắc phục vào hạn chế chính yếu trong việc người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế cơ sở, dẫn đến tình trạng vượt tuyến. Cơ chế tài chính và giá chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Các chuyên gia khuyến nghị, phải thực hiện kiện toàn y tế cơ sở, y tế dự phòng bằng cách tạo bước đột phá về cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy, trang thiết bị cơ sở vật chất.
Các chuyên gia cũng đề nghị cần giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố giám sát việc ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi tối thiểu 30% cho y tế dự phòng. Qua thực tế giám sát cho thấy, nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Đưa ra quan điểm đối với vấn đề y tế cơ sở, các đại biểu phản ánh tình trạng có nhân lực, có vật lực, nhưng thiếu động lực. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nếu cứ để y tế cơ sở chỉ cấp phát thuốc, tiêm vaccine thì không thể nâng cao chất lượng nhân lực được. Vì vậy, cần xem xét trao cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đúng vai trò, nhiệm vụ của họ, đó là các hoạt động chuyên khoa, dự phòng, nâng cao sức khỏe người dân. Mỗi trạm y tế xã nên được trang bị đủ thuốc, thực hiện các gói xét nghiệm cơ bản, theo dõi lao, hen phế quản, bệnh khớp, cao huyết áp, đái tháo đường… Khi chất lượng trạm y tế xã được nâng cao, thì người dân mới tin tưởng, yên tâm đến trạm y tế xã.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định các ý kiến phát biểu của chuyên gia rất tâm huyết, trách nhiệm, bổ ích, đồng thời nêu rõ, các ý kiến này sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ để Đoàn giám sát của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính cần tiếp tục thống nhất lại số liệu, báo cáo lại Đoàn giám sát, bám sát đúng nội dung, phạm vi, yêu cầu của chuyên đề giám sát, đó là giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid – 19 chứ không phải tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid – 19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2017 – 2022, không đi sâu vào các nội dung rộng hơn như chiến lược, chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo chuyên đề giám sát theo hướng: đánh giá đầy đủ kết quả, thành tựu nổi bật, tồn tại, hạn chế trong chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực, công tác phối hợp… xác định rõ trách nhiệm; tìm ra nhiệm vụ, giải pháp và phân công tổ chức thực hiện; đảm bảo báo cáo giám sát chuyên đề đạt chất lượng cao nhất.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75138