Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Đổi mới cơ chế bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp'

Chiều 15.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 'Đổi mới cơ chế bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp' đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên…

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, ngày 10.6.2023, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Quyết định số 1638-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án “Đổi mới công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp”.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án đã ban hành Kế hoạch xây dựng và đề cương Đề án; Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị tổng kết thi hành Luật; xây dựng dự thảo Đề án; xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Trung ương, các địa phương. Đồng thời, tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về hồ sơ dự thảo Đề án và tiếp thu, hoàn thiện các văn bản.

Dự thảo Đề án gồm 4 phần: sự cần thiết, cơ sở, mục đích, yêu cầu xây dựng Đề án; thực trạng cơ chế bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND từ năm 2013 đến nay; quan điểm, mục tiêu, giải pháp đổi mới cơ chế bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; tổ chức thực hiện.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại cuộc họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại cuộc họp

Thông tin về nội dung cơ bản của Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết: Đề án đã đề cập đến khái niệm đổi mới cơ chế bầu cử là gì; làm rõ trách nhiệm, cách thức vận hành và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, thiết chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan tới công tác chuẩn bị và quá trình tổ chức cuộc bầu cử.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn tham gia ý kiến vào Đề án

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn tham gia ý kiến vào Đề án

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, báo cáo tổng kết công tác bầu cử qua 2 nhiệm kỳ gần đây, Đề án đã làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức công tác bầu cử. Đồng thời, nêu rõ các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử; đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành…

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho đóng góp ý kiến vào Đề án

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho đóng góp ý kiến vào Đề án

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung nêu trong dự thảo Đề án. Đồng thời, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; nêu rõ, Ban Chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án, dự kiến trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 8 tới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân phát biểu ý kiến

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân phát biểu ý kiến

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những nội dung đưa vào Đề án để triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nước ta.

Tin và ảnh: Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-thanh-chu-tri-hop-ban-chi-dao-xay-dung-de-an-doi-moi-co-che-bau-cu-dbqh-va-hdnd-cac-cap-i380584/