PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ
Sáng ngày 31/8, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành Phố Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự án Luật Đường bộ.
Tọa đàm do Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Công an, tỉnh Bắc Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức. Tham dự tọa đàm có: Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh Ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; cùng hơn 150 đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong đó có 51 Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương hoan nghênh Thường trực UBQPAN đã chủ động phối hợp với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông và Vận tải và lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tổ chức buổi tọa đàm này. Khẳng định, đây là một bước chuẩn bị từ sớm từ xa trước khi Chính phủ trình Hồ sơ 2 dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, đây là 2 dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của toàn dân và sự phát triển ổn định của đất nước nên cần phải làm càng sớm, càng kỹ càng tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan tới đường bộ, trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần phải bổ sung, cụ thể hóa những vấn đề gì trong 2 dự thảo luật. Nội dung dự thảo luật đã bám sát, phản ánh đầy đủ hay chưa các nhóm chính sách?. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh, hai dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự án Luật đường bộ nếu không xử lý khéo sẽ dễ dẫn tới chồng giẫm lẫn nhau: “Lĩnh vực dễ chồng lấn nhất giữa hai dự thảo luật này chính là hoạt động vận tải đường bộ. Nếu không xử lý minh bạch thì chắc chắn gây chồng chéo. Và nội dung này cũng liên quan tới tên gọi, phạm vi điều chỉnh. Đây là điều Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần chỉ đạo cần phải làm rõ. ”
Trong công tác xây dựng 2 luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Đồng thời cần tránh việc cài cắm, tham nhũng chính sách, lợi ích cục bộ; tránh vì thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước mà vi phạm quyền công dân, quyền con người. Đảm bảo khi luật có hiệu lực thi hành dễ áp dụng, tránh gây thêm phiền hà, tốn kém về kinh phí cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về từng lĩnh vực.
Trước đó, Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGTĐB ở Việt Nam.
Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách xây dựng, vận hành, bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng…Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội và phòng ngừa tai nạn giao thông. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGTĐB thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…Do đó việc tách các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và xây dựng 02 dự án luật là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để quy định đầy đủ, chuyên sâu về từng lĩnh vực, phù hợp với xu thế chung trên thế giới; đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 07 chính sách: Quy tắc giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ; Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Tuần tra, kiểm soát về TTATGTĐB; Chỉ huy điều khiển giao thông, bảo đảm TTATGTĐB; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự án Luật Đường bộ gồm các chính sách: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; Xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, bảo trì đường cao tốc; Vận tải đường bộ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và phạm vi điều chỉnh của 2 dự thảo Luật; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; các chính sách của 2 dự thảo Luật; những vấn đề về phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong 2 dự thảo Luật…
Đa số các đại biểu Quốc hội nhận định, trước tình hình tai nạn giao thông đường bộ xảy ra nghiêm trọng trong thời gian qua, yêu cầu đảm bảo TTATGT đường bộ và phát triển đường bộ thì việc tách Luật Giao thông đường bộ ra thành 2 luật là rất cần thiết, qua đó phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xây dựng 1 phục lục về thể chế hóa các Nghị quyết, quan điểm của Đảng có liên quan; xử lý những vấn đề trùng lặp giữa hai luật trong đó có nhiệm vụ của thanh tra giao thông với cảnh sát giao thông; làm rõ hơn nữa những vấn đề liên quan tới đào tạo, sát hạch, đăng kiểm….
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79456