Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng

Chiều 20/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Việt Nam. Dự buổi gặp mặt về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Quang cảnh buổi gặp mặt

Quang cảnh buổi gặp mặt

Bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng

Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao về những kết quả hoạt động nổi bật của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặt vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng mong muốn, lãnh đạo Hội và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm đối với văn hóa và di sản văn hóa; bám sát 9 nhiệm vụ quy định trong Điều lệ Hội để thực hiện tốt 10 nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024 đã nêu trong báo cáo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới hiện nay; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, giữa các quốc gia khác trên thế giới.

Trên cơ sở nhiệm vụ của Hội là tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Hội và lĩnh vực Hội hoạt động để tích cực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Mong muốn có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Báo cáo tại buổi gặp mặt, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và vun đắp nên một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể. Kho tàng di sản văn hóa ấy là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam báo cáo tại buổi gặp mặt

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam báo cáo tại buổi gặp mặt

Di sản văn hóa Việt Nam là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa, nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Hội ra đời là một tất yếu khách quan phù hợp xu thế chung của quốc tế và yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình mới, được sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội, được sự tham gia đông đảo của cộng đồng.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ khẳng định, từ khi thành lập đến nay, bằng sự cố gắng liên tục, sáng tạo, không ngừng đổi mới, Hội đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuy nhiên, nhận thấy những kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo để làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình về mọi mặt, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ bảo đảm sự phát triển liên tục, trước mắt là tích cực tham gia đóng góp chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, củng cố tổ chức của Hội.

Lãnh đạo Quốc hội chụp hình lưu niệm cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Lãnh đạo Quốc hội chụp hình lưu niệm cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Nhân dịp này, thay mặt Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này; quan tâm, khích lệ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa để họ làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hàng năm, vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các hình thức động viên những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-bao-ve-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-van-hoa-viet-nam-la-yeu-cau-rat-cap-thiet-va-quan-trong-20231120210056148.htm