Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Sáng 3/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị một năm rưỡi, nhưng trình sang cơ quan thẩm tra mới được hơn một tháng. Do vậy, các thành viên Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo thận trọng, vì đây là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao. Quan trọng và cần nhất là "quy định chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công - tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa...”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tính đến nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu này, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện.
Chỉ rõ Chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiến nghị với Chính phủ xem xét những nội dung nào lớn, cần xin ý kiến Bộ Chính trị; đồng thời bàn kỹ việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực như thế nào cho trọng tâm, trọng điểm.
Quy định cụ thể Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”. Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, ban soạn thảo giải trình rõ hơn về sở hữu di sản văn hóa và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản; làm rõ hơn nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa”.
Dự thảo Luật cũng quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách… để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn về khả năng huy động nguồn lực tài chính. "Việc thành lập quỹ ngoài ngân sách phải tính đến nguồn huy động, tránh rơi vào tình trạng như Quỹ phát triển du lịch - một quỹ ngoài ngân sách Nhà nước nhưng cuối cùng lại huy động ngân sách Nhà nước thì liệu có đúng với mục đích hay không? Điều này cần cân nhắc kỹ”, đại biểu nêu quan điểm.
Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để việc sửa đổi lần này thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.