Phó Chủ tịch TP.HCM kiến nghị có chế độ ưu đãi cán bộ văn thư, lưu trữ
Theo ông Ngô Minh Châu, cần có chế độ ưu đãi cho cán bộ văn thư, lưu trữ để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định lâu dài.
Ngày 21-12, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khảo sát phục vụ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang làm trưởng đoàn.
Thông tin với đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết hiện nay TP.HCM đã đầu tư xây dựng công trình trung tâm lưu trữ TP giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 420 tỉ đồng với 18 tầng. Đây là điều cần thiết để bảo quản 3.900 m tài liệu.
Theo báo cáo, hiện nay TP.HCM có 1.187 nhân sự làm công tác lưu trữ, đang bảo quản hơn 214.900 m giá tài liệu; phục vụ khai thác sử dụng tài liệu trên 30.000 lượt/năm.
TP.HCM đã triển khai liên thông kết nối hơn 1.100 đơn vị trên địa bàn. Trong đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn khi phát hành văn bản đều ứng dụng ký số và vận hành trên môi trường mạng.
Tính đến 31-8, TPHCM đã gửi, nhận trên 15 triệu hồ sơ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu TP. Hiện nay, TP.HCM đang triển khai nền tảng số hóa, dự kiến hướng dẫn các đơn vị sử dụng, khai thác dữ liệu trong quý I-2024.
Ông Châu nhìn nhận, qua 10 năm thực hiện luật lưu trữ bên cạnh mặt được vẫn còn những tồn tại khó khăn. Đơn cử kinh phí cho công tác lưu trữ còn ít, kho lưu trữ tại một số cơ quan chưa được xây dựng mới, trang thiết bị bảo quản tài liệu chưa được đầu tư hiện đại.
Việc lập hồ sơ hiện hành vào cơ quan chưa được thực hiện như mong muốn, khối lượng hồ sơ, tài liệu tồn đọng chưa được xử lý còn rất lớn. Về ứng dụng công nghệ thông tin, tài liệu lưu trữ tại nhiều cơ quan chưa thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Các cơ quan, tổ chức chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ.
Các văn bản vi phạm pháp luật do nhà nước ban hành chưa đồng bộ có nơi còn yếu, có những văn bản ban hành đã lâu chưa được bổ sung sửa đổi phù hợp với tình hình mới nên khi thực hiện còn gặp nhiều bất cấp, lúng túng. Đặc biệt, là những văn bản quy định về việc quản lý tài liệu điện tử, tài liệu số.
Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu kiến nghị quy định cụ thể về tài liệu điện tử và tài liệu số, quy định thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế quản lý nhà nước về văn thư lưu trữ cấp tỉnh.
“Cần có chế độ ưu đãi thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định lâu dài.Tôi thấy cán bộ, công chức khi được điều động nhận nhiệm vụ này, gần như là chỉ do yêu nghề. Chứ nếu tự nhiên mà chọn thì có rất ít cán bộ chọn công việc này” - ông Châu nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị bổ sung quy định chế tài trong công tác lưu trữ. Theo ông, phải có chế tài để các cơ quan có liên quan khi kiểm tra xử lý, xử phạt, tạo tính răn đe bắt buộc cao hơn.
Ngoài ra, lãnh đạo TP kiến nghị Bộ nội vụ cần xây dựng đề án thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, trong đó giải quyết các vấn đề về kinh phí, yêu cầu về kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin có liên quan.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết đoàn đại biểu sẽ tiếp thu các ý kiến của UBND TP.HCM để tổng hợp, báo cáo Quốc hội nghiên cứu trong công tác xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).