Phó Giáo sư Lê Chí Dũng - Thầy tôi

Năm 1997, tôi vào đại học, lúc đó chương trình đạo tạo của Trường Đại học Đà Lạt chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đại cương và giai đoạn chuyên ngành. Những môn học đại cương với tầm khái quát chuyên môn rộng được đưa lên giai đoạn đầu, Thầy phụ trách môn 'Đại cương Văn học Việt Nam' và tôi được học môn Thầy đầu tiên.

Ấn tượng đầu tiên sâu sắc nhất với Thầy Lê Chí Dũng là sự đúng giờ. Sau này tôi mới biết Thầy không biết đi xe, nhưng bao giờ đến lớp, tôi và các bạn cũng đã thấy Thầy đến trước năm phút. Thầy thường mặc một bộ vest màu sữa và một bộ vest màu xám, không còn mới nhưng luôn giữ nếp; dáng Thầy thấp nhỏ, đi lại ở bục A8B chờ đến giờ mới vào lớp. Vì chương trình 6 đại cương gồm cả Văn - Sử - Việt Nam học và cả Ngoại ngữ cùng học chung nên môn học được sắp xếp ở giảng đường A8B. Không gian hội trường rộng, Thầy phải giảng qua micro. Cứ nghĩ rằng Thầy sẽ mệt vì phải nói to trong không gian lớn, nhưng không ngờ khi có một câu hỏi về chuyên môn Truyện Kiều, hay Nguyễn Đình Chiểu, Thầy đã nhập tâm, say sưa nói đến quá giờ.

Chúng tôi còn nhớ, những năm 1997 - 1998 có phong trào trao đổi học thuật trên báo Giáo dục thời đại và Tài hoa trẻ về thơ của Nguyễn Trãi, về những câu thơ của Phạm Ngũ Lão trong bài Thuật hoài. Bằng kiến thức uyên bác và sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong khoa học, Thầy đã chiết tự và giảng cho chúng tôi nghe về chữ “tỳ hổ”, “khí thôn ngưu” và về cả câu thơ “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. Ấn tượng trong tôi là sự uyên thâm về chữ Hán, sự uyên bác về kiến thức và đặc biệt là sự cẩn trọng trong khoa học ở Thầy.

Về sau, khi tôi được giữ lại Khoa làm giảng viên, kiêm trợ lý công tác sinh viên, giúp thầy đánh máy lại những bài viết khoa học, càng khâm phục và trân trọng tác phong làm việc khoa học và cẩn trọng của Thầy. Thầy nhắc và chỉ cho tôi từ những chi tiết nhỏ nhất như trích dẫn thơ, rồi đề tên tác phẩm và tác giả. Thầy lý giải câu thơ đó được trích trong tác phẩm nào, của tác giả nào, vậy trong ngoặc đơn phải để tác phẩm trước rồi mới đến tác giả… Và, về sau nữa, khi được học cao học và được Thầy trực tiếp hướng dẫn đề tài luận văn Thạc sĩ “Tâm trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, tôi càng cảm nhận được một cái Tâm lớn ở Thầy.

Nói về ngành Cao học Văn học Việt Nam ở Trường Đại học Đà Lạt, Thầy là người có công lớn trong việc lập đề án mở ngành - là chuyên ngành thứ hai sau chuyên ngành Toán được đào tạo ở bậc cao học. Từ năm 2002, tính là khóa 10, nhưng là khóa thứ nhất ngành Cao học Văn học Việt Nam được đào tạo tại Trường Đại học Đà Lạt và tôi là một trong những học viên đầu tiên của khóa đó (9 khóa trước là Trường Đại học Đà Lạt liên kết với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đào tạo). Thầy là người đã gây dựng một phong trào học thuật tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt từ những năm 90 của thế kỷ XX. Những hội thảo khoa học cấp quốc gia về Văn học Việt Nam được tổ chức tại Trường thu hút nhiều nhà khoa học lớn tham gia, trong đó có giáo sư Hoàng Như Mai… Những hội thảo và phong trào học thuật đó về sau đã kết tinh trong những công trình của Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Đà Lạt như: “Một số vấn đề Văn học Việt Nam”, do Nxb. Văn học và Tổ Bộ môn Văn học Đại học Đà Lạt xuất bản năm 1999 tại Hà Nội; “Tính cách Việt Nam trong thơ Nôm luật Đường”, Nxb. Văn học, 2001; “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”, Nxb. Văn hóa Dân tộc, H., 2002; “Những suy nghĩ mới, những tiếp cận mới về ngữ văn”, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2007…

Bên cạnh những công trình cá nhân và tập thể do Thầy chủ biên đó, Thầy còn để lại hàng trăm bài báo lớn nhỏ, góp một phần lớn vào quá trình nghiên cứu Văn học Việt Nam của khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt nói riêng, của cả nước nói chung. Những công trình nghiên cứu của Thầy sẽ mãi là những tài liệu quý cho các thế hệ sinh viên, học viên tìm hiểu và tham khảo. Đặc biệt là công trình - giáo trình Thầy viết chung với Thầy của mình - Giáo sư Trần Đình Hượu: “Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930”, về sau được in chung thành công trình “Văn học Việt Nam 1900 -1945” với các tác giả: Phan Cự Đệ - Trần Đình Hượu - Nguyễn Trác - Nguyễn Hoành Khung - Lê Chí Dũng - Hà Văn Đức, xuất bản năm 1997, đến nay đã tái bản hàng chục lần và trở thành sách gối đầu giường của các thế hệ sinh viên, học viên ngành Ngữ văn trên cả nước…

Với tôi, Thầy không chỉ là người Thầy hướng dẫn trực tiếp luận văn thạc sĩ cao học, mà Thầy cùng thầy Phạm Hậu Thành, thầy Lê Hồng Phong, cùng các thầy cô của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt, là nhân duyên đẹp cho quả ngọt cuộc đời.

Nay Thầy đã về trời…

Kính xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Thầy!

NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/pho-giao-su-le-chi-dung-thay-toi-3090102/