Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Tôn giáo:Chùa Trăm Gian có giá trị đặc biệt về tôn giáo

Chùa Trăm Gian có những giá trị đặc biệt về tôn giáo. Đây là ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nghiên cứu về ngôi chùa Trăm Gian giúp các cơ quan quản lý có thêm tư liệu để khẳng định sự giao thoa giữa Phật giáo, Đạo giáo, giữa thiền tông, mật tông… cùng tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam.

Giá trị của ngôi chùa phân tích dưới góc độ tôn giáo được thể hiện trên nhiều phương diện như phương pháp tu hành, đặc điểm kiến trúc, nghệ thuật, giá trị lịch sử, di sản vật thể, phi vật thể…

Chùa Trăm Gian đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1962. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Chùa Trăm Gian đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1962. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Mang dấu ấn kiến trúc đặc biệt

Dấu ấn kiến trúc đặc biệt của chùa Trăm Gian là kiến trúc tiền Phật hậu Thánh. Theo đó, kiến trúc của các ngôi chùa là sự kết hợp giữa chùa và đền hay chùa và đình. Nơi thờ Thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh giống như hậu cung của các ngôi đền/đình.

Như ở các làng xã Việt Nam, không gian tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng có chùa, đình, miếu hay đền. Các ngôi đình/đền nhiều khi được thiết kế ngay bên cạnh chùa, làm nơi thờ thần, thánh với các thực hành nghi lễ riêng. Nhưng trong mô hình chùa tiền Phật hậu Thánh, đền/đình được tích hợp vào trong chùa tạo phức hợp kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong vùng. Đây chính là sự sáng tạo, sự kết hợp độc đáo nhất của chùa Trăm Gian.

Thông thường, chùa là nơi thờ Phật; đền, đình là nơi thờ Thánh, rất tôn nghiêm, chỉ có người trụ trì mới được vào; những dịp lễ quan trọng mới mở cửa. Nơi thờ Thánh của chùa Trăm Gian còn có cả kiệu để rước Thánh khi tổ chức lễ hội - điều này thường chỉ có ở các ngôi đình, đền. Sự kết hợp của kiến trúc chùa, đình/đền cũng phản ánh tính dung hợp của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo giữa Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian.

Tiếp nữa, những bức tranh trang trí trên trần nhà tại thượng điện và nơi thờ Đức Thánh Bối với hình tượng song long vờn ngọc hoặc hình mây với biểu tượng âm dương thường thấy ở các đình, đền, miếu phủ mà ít thấy trong các ngôi chùa, hình thức trang trí này mang dấu ấn của Đạo giáo nhiều hơn là Phật giáo. Ngoài ra, trong bài trí thờ tự của chùa Trăm Gian còn có một ban tứ phủ cộng đồng. Đây cũng là một đặc điểm khá thú vị của chùa Trăm Gian.

Hành lang chùa Trăm Gian bài trí 18 vị La Hán bằng gỗ. Ảnh: Phạm Hoa

Hành lang chùa Trăm Gian bài trí 18 vị La Hán bằng gỗ. Ảnh: Phạm Hoa

Xung quanh hành lang chùa Trăm Gian bài trí 18 vị La Hán. Tuy nhiên, khác với các chùa, các vị La Hán được thể hiện không phải là tượng tròn mà là các bức tranh gỗ. Một trong những điểm đặc sắc nữa của chùa Trăm Gian là thờ thập điện Diêm Vương, cũng thể hiện bằng các bức tranh chạm gỗ nổi. Đây là những bức tranh chạm nổi rất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Đặc điểm của những ngôi chùa có bài trí thập điện Diêm Vương cũng cho thấy ngôi chùa đó có dấu ấn của Đạo giáo.

Hiện, chùa Trăm Gian còn lưu giữ nhiều di vật quý, trong đó đáng kể là đôi rồng đá thời Trần. Tại chùa Trăm Gian có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa Thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Kim Sí Điểu. Trên bệ thờ đặt các tượng Phật tam thế.

Ngoài ra, những bức phù điêu La Hán và Thập điện chùa Trăm Gian được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là sự phối hợp tuyệt đẹp giữa phù điêu và hệ thống tượng tròn trong một ngôi chùa, là hiện tượng độc đáo, hầu như không gặp lại ở những trung tâm Phật giáo khác. Niên đại của pho tượng vào khoảng thế kỷ XVII.

Theo hồ sơ di tích, trên thượng điện chùa Trăm Gian bài trí pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Tượng tạc trong tư thế ngồi tọa thiền với 40 cánh tay lớn nhỏ ở các tư thế khác nhau, trong đó có hai đôi chính, một đôi chắp trước ngực kết ấn liên hoa hợp chưởng, một đôi úp xuống đùi, hai bên mỗi bên có 5 cánh tay đưa ra phía trước, hai tay phía trên cùng có cầm nghi vật, các tay khác kết theo các ấn khác nhau, hai tay bên đưa ngang cao đầu. Còn lại 12 cánh tay mỗi bên đưa ra từ hai bên sườn, ngón tay duỗi thẳng. Có quan điểm cho rằng, pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn là dấu ấn Mật tông của ngôi chùa.

Gác chuông chùa Trăm Gian là công trình nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Gác chuông chùa Trăm Gian là công trình nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Những giá trị của chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian được xây dựng vào đời vua Lý Cao Tông năm 1185 và trùng tu vào thời nhà Trần, Lê, Nguyễn. Chính vì vậy, những dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật của các triều đại này vẫn còn đậm nét ở chùa Trăm Gian. Là ngôi chùa cổ, được xếp vào “tứ đại danh lam” của xứ Đoài nên chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, Phật giáo, văn hóa...

Về kiến trúc, nghệ thuật chùa Trăm Gian được xây dựng theo mô hình nội công, ngoại quốc, quy mô lớn với trên 100 gian. Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 50m, cảnh quan đẹp, phía trước là ao sen, phía sau tựa núi. Gác chuông chùa Trăm Gian là một công trình nghệ thuật độc đáo. Gác chuông có kiến trúc hai tầng, chồng diêm 8 mái. Nhiều mảng khắc chạm nổi hình rồng, mây lửa mang dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng vẫn được lưu giữ. Tầng hai có treo một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) đề là Quảng Nghiêm cổ tự. Trên quả chuông này có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích (1751-1822).

Về di sản vật thể, chùa còn lưu giữ được đôi rồng đá thời Trần, pho tượng Tuyết Sơn đặt ở chính điện là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Hiện nay, chùa vẫn giữ được 153 tượng cổ bằng gỗ và đất nung. Các bức tranh thập điện Diêm Vương được chạm nổi trên gỗ rất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, trong đó nổi bật là pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - quan võ nổi tiếng thời Tây Sơn.

Hai trong số 8 bức tranh cổ Thập điện Diêm Vương tại chùa Trăm Gian. Ảnh: Phạm Hoa

Hai trong số 8 bức tranh cổ Thập điện Diêm Vương tại chùa Trăm Gian. Ảnh: Phạm Hoa

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ khánh đồng Quảng Nghiêm thiền tự (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10); chuông treo Quảng Nghiêm cổ tự (niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2); chuông ngồi, trong bài minh văn có đề: Đinh Mão Cảnh Hưng bát niên Tiên Lữ sơn Quảng Nghiêm tự.

Về các di sản tư liệu, trong chùa có nhiều bia ký với trang trí độc đáo, chứa đựng nhiều thông tin, tuy nhiên, vẫn chưa được sưu tầm, hệ thống hóa, chưa được dịch nghĩa một cách đầy đủ.

Hiện, chùa lưu giữ một số tấm bia như sau: Quảng Nghiêm tự bi ký (Năm Hoằng Định 4-1603), nội dung tấm bia làm rõ lịch sử ngôi chùa; Tiên Lữ Thánh tích bi ký (năm 1805), nội dung nói về sự tích đức Thánh Bối, người sáng lập chùa; Đặng tướng công bi (bài văn soạn năm 1797) ghi về võ tướng Đặng Tiến Đông...

Chùa cũng đã nhận được sắc phong của các triều đại, đa số là sắc phong của các vị vua nhà Nguyễn, như: Sắc phong năm 1763 (Cảnh Hưng thứ 24), sắc phong năm 1783 (Cảnh Hưng thứ 44), sắc phong năm 1767 (Cảnh Hưng thứ 28), sắc phong năm 1763, sắc phong năm 1787, sắc phong năm 1821, sắc phong năm 1884, sắc phong năm 1884, sắc phong năm 1850, sắc phong năm 1880, sắc phong năm 1887…

Ngoài ra, hệ thống câu đối, hoành phi, đại tự… cũng còn lưu giữ khá nhiều, chứa nhiều thông tin có giá trị liên quan đến lịch sử ngôi chùa, đến sinh hoạt Phật giáo, đời sống văn hóa, xã hội qua các thời kỳ. Cụ thể, chùa đang lưu giữ 11 hoành phi, 23 đôi câu đối, 2 bức thiều châu, 1 bức châm và 1 bức cuốn thư.

Đặc biệt, chùa còn có di văn trên các tháp tổ như: Viên dung tháp tự văn (năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772); Từ Ân tháp, hành trạng tổ Như Kỳ (năm Cảnh Hưng thứ 16); 2 mộc bản in thẻ với 4 mặt khắc chữ.

Về lễ hội, chùa Trăm Gian được tổ chức 5 năm một lần vào những năm chẵn và diễn ra từ ngày 4-6 tháng Giêng. Các nghi lễ trong lễ hội gồm: Rước kiệu Thánh, thi cỗ chay giữa các thôn và trình rối cạn, đấu cờ người, đấu vật, múa rối nước... Đây là lễ hội kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian - tín ngưỡng thờ Thần/Thánh, phản ánh sự dung hợp, sự đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo trong niềm tin, thực hành của cộng đồng.

Du khách thập phương chiêm bái, lễ Phật tại thượng điện. Ảnh: Phạm Hoa

Du khách thập phương chiêm bái, lễ Phật tại thượng điện. Ảnh: Phạm Hoa

Chùa Trăm Gian là di tích Phật giáo có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đây là ngôi chùa thuộc loại tiền Phật hậu Thánh - loại hình kiến trúc - thờ tự rất độc đáo của Phật giáo Việt Nam, chỉ xuất hiện ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Do có nhiều giá trị độc đáo, vào năm 1962, chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về giá trị lịch sử, văn hóa, Phật giáo của chùa Trăm Gian; còn khá nhiều bia lý, minh văn… của chùa chưa được hệ thống hóa, dịch thuật để cung cấp thêm tư liệu liên quan đến ngôi chùa.

Nhiều di sản văn hóa của chùa hiện nay như tượng Tuyết Sơn, các bức tranh chạm gỗ nổi thập điện Diêm Vương, đôi rồng đá… là những hiện vật quý giá, có giá trị nghệ thuật, lịch sử, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, do đó có thể nghiên cứu, đánh giá để xem xét công nhận bảo vật quốc gia.

Thời gian tới, chùa Trăm Gian cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các nhà khoa học… cần tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các di sản, giá trị của chùa Trăm Gian trên các phương diện khác nhau nhằm phát huy giá trị của ngôi chùa trong sự phát triển nói chung và phát triển văn hóa nói riêng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đặc biệt, cần có phương án bảo vệ các di sản quý giá của chùa, tránh bị mất trộm cổ vật như từng xảy ra trong quá khứ…

Hoàng Sơn (lược ghi)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-giao-su-tien-si-chu-van-tuan-vien-nghien-cuu-ton-giao-chua-tram-gian-co-gia-tri-dac-biet-ve-ton-giao-679666.html