Phố Hiến là địa danh lịch sử, ngày nay nằm ở thành phố Hưng Yên. Trong thế kỷ 17 đến 18, nơi đây nổi tiếng là thương cảng buôn bán sầm uất, từng được miêu tả là “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Văn bia chùa Thiên ứng, dựng năm 1625, đã ghi: "Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An" - tức một kinh đô thu nhỏ Ảnh: Báo Hưng Yên.
Địa danh Phố Hiến ngày nay thuộc thành phố Hưng Yên. Theo sách "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục", tên Phố Hiến có xuất xứ từ chữ Hiến của Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa. Ảnh: Cổng TTĐT Hưng Yên.
Hưng Yên là một trong những vùng đất khoa bảng nổi tiếng của nước ta trong thời phong kiến. Văn miếu Xích Đằng hay còn gọi là Văn miếu Hưng Yên, được xây dựng ở Hưng Yên để tôn vinh những nhà khoa bảng địa phương. Đây là di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến, được xây dựng vào khoảng năm 1701, hiện tại thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Cổng TTĐT Hưng Yên.
Theo truyền thuyết, đầm Dạ Trạch (Nhất Dạ Trạch) ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là vùng đất bị lún sâu sau khi lâu đài, thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử bay lên trời. Đến thời Tiền Lý, một vị tướng tên Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đã chọn Đầm Dạ Trạch làm căn cứ đóng quân chống lại quân Lương xâm lược. Sau Triệu Quang Phục đã lên ngôi và tự xưng là Triệu Việt Vương. Ảnh: Báo Hưng Yên.
Hưng Yên là tỉnh trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam và thủ đô Hà Nội. Tỉnh có một thành phố, 9 huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã.
Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, từ xa xưa nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước, trải đều trên nhiều lĩnh vực. Đây là quê hương của danh tướng Phạm Ngũ Lão, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Ngoài các danh lam, thắng cảnh, Hưng Yên còn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản. Hưng Yên là quê hương của Nhãn lồng và gà Đông Tảo.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing