Phó Hiệu trưởng ĐH KHCN Hà Nội chỉ ra khó khăn, thách thức trong đào tạo TS
Nhằm đẩy mạnh số lượng NCS tham gia toàn thời gian vào thực hiện việc nghiên cứu tại USTH, Nhà trường đã xây dựng nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cho NCS.
Nhìn từ thực tiễn bức tranh đào tạo tiến sĩ ở nước ta, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) nhận định, hiện nay số lượng nghiên cứu sinh ở Việt Nam còn tương đối thấp so với quốc tế.
Số lượng nghiên cứu sinh toàn thời gian không chiếm đa số
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đăng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay như:
Về kinh phí đào tạo tiến sĩ, nhìn chung vẫn tương đối cao so với mặt bằng về các điều kiện kinh tế-xã hội tại Việt Nam;
Hay vấn đề đào tạo tiến sĩ toàn thời gian, mặc dù đây là một hoạt động thường quy trên thế giới, là yêu cầu bắt buộc để nghiên cứu sinh hoàn thành đầy đủ luận án trong thời gian quy định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, yêu cầu đào tạo toàn thời gian tương đối khó đối với nghiên cứu sinh.
“Hiện nay, số lượng nghiên cứu sinh toàn thời gian không chiếm hoàn toàn trong tổng số nghiên cứu sinh tham gia đào tạo tiến sĩ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian đào tạo nghiên cứu sinh”, Phó giáo sư Đăng thừa nhận.
Về chất lượng đào tạo, đối với các ngành khoa học tự nhiên, chất lượng đào tạo đã dần tiệm cận với trình độ thế giới.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, ở các nước phát triển, để tốt nghiệp, nghiên cứu sinh bắt buộc phải có công bố quốc tế. Đây cũng là điều cần thiết và quan trọng để khẳng định chất lượng nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã không còn quy định phải có công bố quốc tế như trước đây, nên yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh ở một số đơn vị đào tạo đã giảm hơn trước.
Bên cạnh đó, yếu tố cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo tiến sĩ, tuy đã có một số đơn vị có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, nhưng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn.
“USTH may mắn được hỗ trợ của Chính phủ từ nguồn vốn vay ADB cho sự phát triển của nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước và các đối tác Pháp trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo trong việc tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu ở trình độ cao.
Trong khi đó, các đơn vị khác chủ yếu phát triển cơ sở vật chất từ nguồn tài chính riêng của trường, nên quá trình thực hiện đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất còn gặp nhiều rào cản”, Phó Giáo sư Đăng phân tích.
Trường đại học trả lương để “giữ chân” nghiên cứu sinh
“Tại USTH, nhận thấy những khó khăn, thách thức trong vấn đề đào tạo tiến sĩ, cùng với mong muốn đẩy mạnh số lượng nghiên cứu sinh, chúng tôi đã xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ.
Theo đó, về chính sách học phí, mặc dù chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng mức học phí chỉ tương đương với 1 số trường khác khoảng 20 triệu đồng/năm học.
Ngoài ra, được biết, năm học 2023-2024 đối với các chương trình đào tạo tiến sĩ, USTH có chính sách học bổng với các mức từ 10 triệu đồng (tương đương 50% học phí); 20 triệu đồng (tương đương 100% học phí) và 30 triệu đồng (tương đương 150% học phí).
Trường còn xây dựng chính sách trả lương giúp các nghiên cứu sinh yên tâm hơn trong quá trình học tập và nghiên cứu toàn thời gian tại đơn vị.
Cụ thể, nghiên cứu sinh sẽ có cơ hội ký hợp đồng với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng để tham gia vào các công tác trợ giảng, hướng dẫn thực hành tại trường.
Ngoài học bổng hay tiền lương, nghiên cứu sinh có thể tăng thêm nguồn tài chính bằng cách tham gia vào các đề tài nghiên cứu cùng giảng viên (những đề tài này cũng có thể là một phần của đề tài nghiên cứu sinh triển khai cho luận án tiến sĩ).
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh:
“Chúng tôi quan niệm, nghiên cứu sinh chính là các nhà nghiên cứu tiềm năng tương lai, do vậy, việc nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu trong các đề tài, dự án của Trường hoặc của Viện Hàn lâm luôn được khuyến khích tại USTH.
Với các mức học bổng và hỗ trợ ưu đãi như vậy, số lượng nghiên cứu sinh năm 2022 tại USTH đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Đây là một trong những chỉ số quan trọng chứng minh sự thu hút của các chính sách liên quan đến học bổng tại USTH”.
Bàn về việc thực tế ở Việt Nam, sau khi học xong tiến sĩ, không có nhiều nghiên cứu sinh lựa chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu hay tham gia giảng dạy, Phó Giáo sư Đăng cho rằng, thực tế này một phần xuất phát từ chính sách chung của Nhà nước.
Cụ thể, mức lương của một người có trình độ tiến sĩ làm việc tại các cơ sở nghiên cứu công lập chưa đảm bảo. Kể cả giảng dạy ở đại học, không phải tất cả các trường đại học đều có chính sách thu nhập tốt, giúp cho giảng viên có thể yên tâm làm việc dựa trên mức lương của mình.
Những tiến sĩ làm việc tại các phòng nghiên cứu của doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển. Thay vào đó, chủ yếu các doanh nghiệp mua công nghệ và sau đó phát triển thành sản phẩm.
“Tuy đã có doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu phát triển, nhưng từ việc quan tâm đến triển khai còn là một câu chuyện dài”, thầy Đăng trăn trở.
Theo thầy Đăng, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn nhiều rào cản pháp lý khi doanh nghiệp muốn hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển tại các trường đại học. Chính những yếu tố trên đã và đang ảnh hưởng tới bức tranh đào tạo tiến sĩ nói chung.
Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp gỡ rối cho công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ta, Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh tới các cơ chế chính sách của Nhà nước.
“Làm sao tạo được cơ chế chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu yên tâm làm việc và cống hiến. Chỉ khi môi trường chính sách thuận lợi mới khuyến khích thêm nhiều người trẻ muốn theo học chương trình tiến sĩ”, thầy Đăng nói.
Phân tích thêm, vị Phó giáo sư nêu thực tế, gần đây Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển đội ngũ trí thức. Tuy nhiên từ chính sách đến thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ như Đề án 89, với mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% trong nước. Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án này có hiệu lực từ ngày 24/10/2021. Tuy vậy, đến nay, tức là sau hơn 3 năm, nhiều ứng viên vẫn chưa thể ra nước ngoài để đi học.
“Đối với các trường đại học như USTH, chúng tôi mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách làm thông thoáng hơn để tạo điều kiện trong việc phối hợp đào tạo, nghiên cứu giữa các trường đại học với doanh nghiệp”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nêu kiến nghị.