Phố nghề Hàng Thiếc, nét văn hóa riêng của Hà Nội xưa
Phố Hàng Thiếc là một phố nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội. Qua thời gian, Hàng Thiếc là một trong ít phố nghề vẫn giữ được nghề truyền thống.
Hà Nội xưa có rất nhiều phố nghề, vì cư dân thành phố cơ bản là các thợ giỏi, thợ khéo từ các nơi đổ về cùng với gia đình của họ, rồi quần cư thành làng, thành phố. Các tên phố có chữ “Hàng” chính là minh chứng rằng, Hà Nội đã từng là thành phố của rất nhiều làng nghề bận rộn.
Nhưng theo thời gian, các phố nghề mất dần, chỉ còn các phố buôn bán các mặt hàng đặc trưng theo tên gọi, hiện còn rất ít phố cổ còn giữ được nghề xưa.
Phố Hàng Thiếc có chiều dài 136 mét, bắt đầu từ ngã tư Bát Đàn - Thuốc Bắc tới ngã ba Hàng Thiếc - Hàng Nón, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Xưa kia, phố Hàng Thiếc nổi tiếng với nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng, những sản phẩm nổi tiếng khi đó là lư hương, ấm pha trà, khay đựng trà…
Sau này, thợ phố Hàng Thiếc còn làm cả hàng từ tôn, kẽm tạo ra những sản phẩm gia dụng bền đẹp hữu dụng.
Một mặt hàng đặc trưng của phố Hàng Thiếc là tàu thủy đồ chơi. Trong ký ức người Hà Nội, tàu thủy đồ chơi là mặt hàng gắn liền với tuổi thơ của họ.
Những mặt hàng tôn, thép phục vụ cho đời sống được bày bán ở nhiều nơi, nhưng đặc trưng phố nghề vẫn là một sự thuận tiện và ấn tượng đối với nhiều khách mua hàng. Đồ gia dụng bằng tôn, inox, thép, Hàng Thiếc vẫn luôn là địa chỉ tin cậy của khách hàng.