Phó Thống đốc Đào Minh Tú: 'Không thể căng cứng trong điều hành tỷ giá'

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mức mất giá của VND giai đoạn 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 4,4%, trong khi nhiều quốc gia ở ngưỡng 7-11%.

Tỷ giá USD - VND được giữ ở mức hợp lý

Tại cuộc "họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm" ngày 23/7, chia sẻ về vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua.

Tỷ giá có quan hệ tổng hòa với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường. Phó Thống đốc cho rằng, rất nhiều vấn đề lớn như vậy nhưng tỷ giá VND vẫn ổn định, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước, có nước mất tới 7% - 11%.

"Chúng ta không thể căng cứng hay cố định tỷ giá trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động. Phải điều hành tỷ giá sao cho hài hòa, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ," Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Nhà điều hành cũng thông tin, giá trị nhập khẩu của Việt Nam lên đến 178 tỷ USD và cần lượng ngoại tệ rất lớn, vì vậy giải pháp trung hòa phải tạo điều kiện cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Thứ hai là cần giải quyết được sự đồng bộ giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất, đảm bảo kiểm soát lạm phát trên cơ sở điều hành tỷ giá, đảm bảo cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Thực tế, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp cần thiết, như động thái bán ngoại tệ từ ngày 19/4 để giữ tỷ giá ở mức hợp lý, tạo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, đảm bảo tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, NHNN cũng đã nhiều lần hút tiền VND về thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu trên thị trường mở.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin tại buổi họp báo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin tại buổi họp báo.

Sẽ sửa đổi Nghị định 24 để bình ổn thị trường vàng

Cũng tại họp báo, thông tin về thị trường vàng tại Việt Nam, Phó Thống đốc cũng chia sẻ, thời gian qua, thị trường vàng là vẫn đề nóng khi giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới, tạo ra sự chênh lệch lớn bất hợp lý, vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã có 9 phiên đấu thầu vàng.

Tuy nhiên, sau 9 phiên đấu thầu không hiệu quả, chưa kiểm soát được giá vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang bán trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

"Cơ chế này đã bước đầu phát huy hiệu quả, kiểm soát được giá vàng SJC, không để tạo ra chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, căn cơ làm sao để thực sự bình ổn thị trường vàng không hề đơn giản," ông Tú nói.

 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, bình ổn thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, bình ổn thị trường vàng.

Nhận định về việc quản lý thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, sự phối hợp các cơ quan ban ngành trong quản lý thị trường vàng "chưa bao giờ tốt như hiện nay", góp phần hỗ trợ rất lớn trong thực thi các chính sách, quản lý thị trường vàng.

Từ lực lượng Hải quan, công an đã bắt nhiều vụ buôn lậu vàng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp trong quản lý hóa đơn, rồi các lực lượng như Quản lý thị trường... cũng vào cuộc.

Về định hướng tới gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ khái quát để tổng hợp lại thành chính sách mới, tiến hành sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng đảm bảo thị trường vàng phát triển ổn định, bền vững, sát sao hơn với thị trường, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường, thanh tra kiểm tra hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng.

Trình Chính phủ phương án sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân rất thấp.

Tính tới nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tham gia. Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng. Hai ngân hàng tư nhân là VPBank và TPBank đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó Agribank giải ngân được nhiều nhất.

Bà Giang đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do nhiều địa phương vẫn chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố). Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phương án sửa đổi theo hướng ưu đãi hơn cho người mua nhà.

Cụ thể gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được sửa theo hướng lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm Big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5% - 2%). Thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần). Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.

Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên như hiện tại.

Đối tượng vay vốn của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.

Người vay phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pho-thong-doc-dao-minh-tu-khong-the-cang-cung-trong-dieu-hanh-ty-gia-31539.html