Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Xác thực sinh trắc học khuôn mặt sẽ hạn chế được rủi ro

Liên quan Quyết định 2345, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng, các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền, hạn chế rủi ro.

Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" diễn ra ngày 14/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, nếu không may chúng ta bị lấy mất thông tin của khách hàng, bọn tội phạm có thể chiếm máy đó. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch thì phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền.

Điều khá quan trọng khi chiếm đoạt thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền.

Ông Dũng chia sẻ, giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% giao dịch. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chưa đến 1%. "Không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó chúng ta không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng", Phó thống đốc Dũng nhấn mạnh.

Với trường hợp như người không cư trú mở tài khoản mà không có cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì NHNN đang sửa quyết định cho phép mở tài khoản eKYC tại ngân hàng.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, mới đây nhất là Thủ tướng đã ký Nghị định 52 về thanh toán không tiền mặt (TTKDTM). Phó Thống đốc cho biết thêm, thời gian tới, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, NHNN đang rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM , trong đó có các thông tư liên quan đến hoạt động thanh toán gồm mở và sử dụng tài khoản; mở và sử dụng thẻ; và thông tư quan trọng liên quan đến đại lý.

Lần đầu tiên Việt Nam cho phép làm đại lý ở mức độ giới hạn, các ngân hàng có thể chọn các đơn vị có đủ chức năng làm đại lý. Đây là những định hướng lớn về TTKDTM ở thế giới thì đang làm ở Việt Nam. Hy vọng, thời gian tới, những thông tư này sẽ đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Về những kết quả trong phát triển TTKDTM, Phó Thống đốc Dũng cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ lệ nộp thuế có đến 99% không dùng tiền mặt, những con số mà trước đây chưa từng mơ ước tới. Năm 2019, chúng ta có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay chúng ta có đến 9 tỷ giao dịch.

Theo Phó thống đốc, có ba điểm mà các ý kiến của diễn giả gợi ý quan trọng. Đó là bên cạnh các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty vận hành hệ thống thanh toán như NAPAS phải tham gia vào quá trình này để phát hiện các giao dịch rủi ro. Thứ hai chia sẻ với các bên liên quan về các tài khoản, vụ việc gian lận, giả mạo…

Đồng thời, các chuyên gia khuyến nghị cần chấm điểm tín dụng để đề phòng giả mạo. Khi thanh toán chúng ta quan tâm đến mức độ tín nhiệm trên điểm tín dụng đó để đánh giá người nhận tiền, người chuyển nhận. Đây là những vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/pho-thong-doc-pham-tien-dung-xac-thuc-sinh-trac-hoc-khuon-mat-se-han-che-duoc-rui-ro-post347342.html