Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí

Chiều 26/3, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với sản xuất ô tô, hệ thống đường sắt...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Tham dự hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt" còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu tham dự bao gồm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều tập đoàn trở thành những "đầu tàu" công nghiệp cơ khí

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, thế giới ngày nay đang có những diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường. Điển hình như cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất ngày càng gia tăng; công nghiệp hỗ trợ (nhất là lĩnh vực cơ khí, chế tạo) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Cấn Dũng

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Cấn Dũng

"Với ý nghĩa đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô và tham gia vào quá trình hình thành, phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam lại càng cấp thiết đối với nền kinh tế quốc dân và những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như tỉnh Quảng Ninh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng; nổi bật là: Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng tăng; đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe máy, ô tô con, xe tải, xe khách; một số sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy, thiết bị công nghiệp và sản phẩm gia công cơ khí không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC, tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (như Thành Công, Thaco, Vingroup...) đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước; đồng thời, tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của nước ta nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước; tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô và đường sắt còn thấp; chủ yếu vẫn là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện.

Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ; hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai.

Cũng theo Bộ trưởng, với vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khá đồng bộ và hiện đại, với nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp đường sắt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Quảng Ninh vẫn cần khắc phục một số hạn chế, yếu kém để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn (như thiếu các dự án có hàm lượng công nghệ cao; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu có tầm cỡ khu vực và quốc tế để tạo hệ sinh thái phát triển bền vững cho công nghiệp hỗ trợ...).

"Bộ Công Thương với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, đang được giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Nhiều tuyến giao thông tại Quảng Ninh được khởi động lại

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho biết: "Trong không khí vui mừng, phấn khởi hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hôm nay, tỉnh Quảng Ninh rất vinh dự được phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gắn với triển khai chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh".

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Cấn Dũng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Cấn Dũng

Theo ông Vũ Đại Thắng, quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 350.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 10.200 USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đứng nhóm đầu của cả nước. Hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược (đường cao tốc, cảng biển, sân bay) được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.

Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 21%, tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành đạt trên 8,6 tỷ USD (trong đó, vốn FDI đạt khoảng 6,1 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước trong năm 2023, 2024). Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Hưng - nơi diễn ra hội thảo ngày hôm nay đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới. Trong đó, Nhà máy ô tô Thành Công là đầu tầu dẫn dắt sẽ chính thức khánh thành ngay sau hội thảo này sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô và phát triển hệ thống đường sắt vươn lên tầm cao mới.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thông tin, hiện nay, Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang báo cáo Trung ương khởi động lại Dự án đầu tư tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, hoàn thành trước năm 2030, đồng thời đẩy sớm lộ trình đầu tư đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái trước năm 2030.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Những dự án này không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn mở ra cơ hội, triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đường sắt, thúc đẩy sản xuất linh kiện, thiết bị đầu máy, toa xe, hệ thống điện, ray, cảm biến điều khiển… ngay tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực sản xuất, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững.

Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.

Lê An - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-bui-thanh-son-du-hoi-thao-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-nganh-co-khi-380070.html