Phó thủ tướng: Có biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật
Đại biểu Quốc hội đề nghị Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá thời gian qua có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật hay không.
Không đủ cơ sở để khẳng định có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật trong thời gian qua, song Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng qua các vụ án về tham nhũng, kinh tế “thấy rằng có biểu hiện đó”.
Chiều 21/8, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Long tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) đặt vấn đề, ngày 27/6/2024 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
“Công tác xây dựng pháp luật liên quan đến trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Với trách nhiệm là Bộ quản lý ngành trong xây dựng thể chế Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đánh giá thời gian qua có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật hay không”, bà Hạnh chất vấn.
Nữ đại biểu cũng hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp dự kiến tham mưu cho Chính phủ triển khai Quy định 178 này như thế nào để giúp kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật có hiệu quả.
“Tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật trong thời gian qua có hay không tôi không đủ cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, qua các vụ án về tham nhũng ,kinh tế, kết luận của các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, trong khả năng thông tin tôi tiếp cận được trên báo chí cũng như trong một số các việc được hỏi trực tiếp tôi thấy rằng có biểu hiện đó”, ông Long hồi âm đại biểu.
Phó thủ tướng nhận định qua một số các quy định được ban hành thì “có việc đó, tuy nhiên mức độ đến đâu thì không dám khẳng định”.
Theo ông Long thì trong số các quy định của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật…thì Quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực xây dựng pháp luật có lẽ khó hơn cả. Xuất phát từ đặc thù công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế là một công trình tập thể và kinh qua các giai đoạn khác nhau. Từ đề xuất của từng bộ, từng ngành cụ thể lên đến Chính phủ, sang các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Cái khó thứ hai, theo Phó thủ tướng, do đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật là một công trình tập thể mà để xác định được lỗi của ai phải cá thể hóa. Một điểm hết sức quan trọng là làm sao gắn được quan hệ nhân quả và đặc biệt chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình đó. Câu chuyện này không phải bằng mắt thường ta có thể phát hiện được.
Để thực hiện Quy định 178, ông Long cho biết một trong những việc đầu tiên Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ là quán triệt một cách rất kỹ nội dung này.
“Hội nghị toàn quốc vừa rồi để triển khai thi hành các luật, pháp lệnh có mời Ủy Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga sang để trao đổi truyền đạt việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt, đồng thời hiện thực hóa Quy định 178, đặc biệt là trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung sắp tới’, ông Long cho hay.
Cũng chất vấn Phó thủ tướng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nói. trong báo cáo của Chính phủ có nêu một số trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp phát hiện, kết luận, kiến nghị và đôn đốc xử lý nhiều lần theo quy định nhưng cơ quan ban hành vẫn chậm xử lý theo quy định, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến xã hội.
Theo đại biểu, như vậy là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ không nghiêm. Bà đề nghị Phó thủ tướng cung cấp thông tin cụ thể hơn và có giải pháp nào mạnh để giải quyết tình trạng này trong năm nay dứt điểm được không?
Xin phép cung cấp thông tin cụ thể bằng văn bản, Phó thủ tướng đề cập giải pháp sẽ tăng cường công khai và gửi cho các cơ quan kiểm tra khi phát hiện được những văn bản vi phạm. “Ngoài các kênh truyền thống chúng tôi sẽ gửi thêm cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra giám sát và kể cả các ban Đảng. Như Quốc hội thấy rằng trong thời gian vừa qua, một số vụ việc được phát hiện ra cũng có vấn đề liên quan đến văn bản ban hành sai”, ông Long trả lời đại biểu.