Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong phân bổ nguồn lực

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với việc phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính và các tập đoàn, tổng công ty, lấy ý kiến vào 3 dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15). Các nghị định này trình theo thủ tục rút gọn, có hiệu lực từ 1/8/2025 đồng thời với Luật.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương, 37 điều, hướng dẫn các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại Chương II, Chương III và về phân công, phân cấp, giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước, với các nội dung: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phân công, phân cấp, giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 52 điều. Nêu điểm đáng chú ý, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Nghị định quy định đánh giá, xếp loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo 7 chỉ tiêu (có 2 chỉ tiêu mới so với Nghị định 87/2015/NĐ-CP là Chỉ tiêu 6 - thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và Chỉ tiêu 7 - Thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước).

Về đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, kiểm soát viên, dự thảo đề xuất 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, việc đánh giá căn cứ vào kết quả xếp loại doanh nghiệp, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, dự thảo quy định chỉ tiêu tổng doanh thu hoặc chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế vượt so với kế hoạch mới được đánh giá hoàn thành xuất sắc.

Dự thảo Nghị định cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 101 Điều và 3 phụ lục kèm theo. So với các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định bổ sung các nội dung: Giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất khi cổ phần hóa; về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể doanh nghiệp; giải thể công ty nông, lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel); Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề vốn điều lệ; bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp; góp vốn; chỉ tiêu, phương thức đánh giá xếp loại doanh nghiệp; tiêu chí đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp...

Thiếu tướng Ngô Minh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, việc ban hành Luật 68 cũng như sắp tới có các nghị định hướng dẫn thực sự là “luồng gió mới,” kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cho ý kiến về Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thiếu tướng Ngô Minh Thuấn đề nghị, liên quan đến việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần quy định cụ thể về thời gian đánh giá, chu kỳ đánh giá hàng năm hay 5 năm, hoặc quy định về các yếu tố tác động loại trừ khi thực hiện nhiệm vụ chính trị do cơ quan có thẩm quyền giao (nhiệm vụ phục vụ quốc phòng an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới) và tác động của các yếu tố khách quan.

Ngoài hoạt động vì hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp còn thực hiện nhiệm vụ chính trị do cơ quan nhà nước giao về nhiệm vụ phục vụ quốc phòng an ninh, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Cắt giảm thủ tục hành chính, không tạo ra cơ chế xin-cho

Nhấn mạnh Luật 68 ban hành cơ bản để tháo gỡ vướng mắc phát sinh thời gian qua và có nhiều điểm mới mang tính đột phá trong phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, đồng thời thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết 57, 66 và 68, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ, Luật này làm rất kỹ. So với soạn thảo ban đầu, dự án Luật khi được ban hành có rất nhiều thay đổi, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp, “tôi phải chủ trì 8 cuộc, rất kỳ công,” Phó Thủ tướng ví Luật như chìa khóa để các doanh nghiệp nhà nước bứt phá, phát triển.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

“Chẳng hạn như quyền chọn lương, quyền tiếp nhận cán bộ, quyền đề bạt cán bộ, quyền tăng vốn, quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, chúng ta mà bó hẹp lại thì có tài cũng không làm được, ‘múa tay trong bị’," Phó Thủ tướng nêu; đồng thời đánh giá cao quy định mới của Luật 68.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương, đánh giá cao Bộ Tài chính trong thời gian rất ngắn hoàn thành rất nhiều dự án luật. Để Luật 68 đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện trên tinh thần tập trung tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định phân cấp, phân quyền và tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với việc phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, giám sát và thực hiện.

Cùng với đó, cắt giảm thủ tục hành chính, không tạo ra cơ chế xin-cho, chống phiền hà và sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Các khái niệm đưa ra phải minh bạch, phổ biến. Cần có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá và tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ. Cơ chế phải đảm bảo có cơ sở, phù hợp với thực tiễn, giải quyết những khó khăn, lấy doanh nghiệp làm Trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực của sự phát triển.

Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp đầy đủ ý kiến xác đáng của các bộ, ngành, doanh nghiệp và các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ liên quan hoàn thiện lại 3 nghị định này, trình Chính phủ trước ngày 25/7.

Về cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu tờ trình cần làm rõ nội dung kế thừa, những vấn đề bổ sung so với Luật 69 cũ, những nội dung lược bỏ và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong tờ trình kèm theo bản so sánh nội dung chính sách nêu tại nghị định mới so với nghị định trước đây.

Yêu cầu nội dung của Nghị định phải bao quát toàn bộ các điều khoản tại Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, Phó Thủ tướng đề nghị, liên quan đến vấn đề đất đai, Bộ Tài chính theo đúng quy định của Luật Đất đai, để tránh rủi ro, thất thoát. Các nghị định phải giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn như sáp nhập các đơn vị sự nghiệp về doanh nghiệp nhà nước và ngược lại, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển trụ sở...

“Trong quá trình vận hành, nếu có vướng mắc chúng ta vẫn tiếp tục sửa nghị định hoặc sẽ điều chỉnh bằng nghị quyết của Chính phủ, nhưng bây giờ làm được chỗ nào tốt thì phải cố gắng để làm,” Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc rà soát các điều khoản chuyển tiếp trong nghị định để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-phan-bo-nguon-luc-post1050119.vnp