Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải gỡ được các nút thắt
Chiều 7/2, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo quy trình, dự án luật này sẽ trình Quốc hội tại 2 kỳ họp và đã được trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, sau Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc Kỳ họp về yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, các ý kiến xác đáng của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt lưu ý về kết cấu, kỹ thuật soạn thảo, tính kế thừa, tính đồng bộ hệ thống pháp luật, thực sự tháo gỡ vướng mắc hiện nay và khơi thông nguồn lực tại doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi đôi với giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước; có điều chỉnh phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu có số lượng doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân Cảng, Becamex và 4 ngân hàng thương mại cho ý kiến về dự thảo Luật do Bộ Tài chính tiếp thu, hoàn thiện.
Tại cuộc họp, đánh giá về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến nhận định, đây là Luật rất khó. Với bản dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã có đổi mới rất nhiều, đổi mới cả về tư duy và cách viết.
Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo luật là việc làm hết sức thận trọng của Chính phủ. Một số chính sách trong dự án Luật còn có ý kiến khác nhau, nên Chính phủ đã thận trọng, tổ chức cuộc họp để tiếp tục lắng nghe các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các quy định, để có dự thảo luật tốt nhất trình Quốc hội. Sau Kỳ họp thứ 8, đây là dự thảo lần thứ 5 - 6, mỗi phiên bản có sự thay đổi tiến bộ rõ rệt, thể hiện sự cầu thị của Bộ Tài chính, lắng nghe, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.
Đặt câu hỏi, nếu không có luật này thì doanh nghiệp nhà nước có tồn tại không, ông Bùi Hồng Minh, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi nhà nước quản lý, thực hiện quyền chủ sở hữu thì doanh nghiệp phải tốt lên, phải thông thoáng hơn. Bộ Tài chính đã rất cố gắng, không can thiệp trực tiếp vào điều hành quản trị doanh nghiệp.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cho ý kiến cụ thể về nhiều nội dung như quyền của chủ sở hữu, việc phân cấp, phân quyền của chủ sở hữu, quỹ phát triển doanh nghiệp, trích quỹ khen thưởng phúc lợi; thẩm quyền về việc quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh; cơ chế quản lý nhân sự, tiền lương, tiền thưởng; phân phối lợi nhuận; cơ chế quản lý đối với hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo; chuẩn hóa quy trình kiểm tra, giám sát…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nêu rõ yêu cầu Luật mới phải kế thừa những nội dung tốt trong Luật số 69/2024/QH13, đồng thời phải tháo gỡ được những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về mặt quản lý tiền vốn của nhà nước, phải tuân thủ nguyên tắc chỗ nào có vốn của nhà nước thì chỗ đó phải có quản lý. Vấn đề là phải thiết kế cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả. Luật mới phải bao quát tối đa, không để khoảng trống pháp lý, tránh tình trạng có những tình huống xảy ra trong thực tiễn nhưng luật không quy định.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để doanh nghiệp được tự chủ, linh hoạt, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng phải kiểm soát được. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo Luật để gửi Chính phủ trước ngày 13/2 tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp, các cơ quan, nhất là các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý vốn, cơ chế trách nhiệm của hội đồng thành viên, khuyến khích những mô hình quản trị kinh tế, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, phạm vi quản lý…