Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân

Sáng 22.8, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính ngân sách của nhà nước tiếp tục được cải thiện.

Cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, về nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản; đã phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Đã tập trung đàm phán, giải quyết rào cản kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, theo dõi sát diễn biến, nâng cao chất lượng dự báo cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để điều hành sản xuất phù hợp, cân đối cung cầu, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nông nghiệp đã cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu.

Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xử lý vi phạm quy định về hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đã phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và hai quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực thủy sản.

Xác định công tác xử lý vi phạm IUU nhằm gỡ thẻ vàng của EC là vấn đề hết sức quan trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32 ngày 10.4.2024, Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 7 công điện và 8 quyết định liên quan đến triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư.

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì ba hội nghị trực tuyến để quán triệt đến các Bí thư, Chủ tịch cấp xã ven biển. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã chủ trì nhiều cuộc họp và trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển.

Chính phủ cũng đã kiến nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12.6.2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động các nước thành viên EC ủng hộ sớm bỏ “thẻ vàng” cho Việt Nam.

Về lĩnh vực công thương, Phó Thủ tướng cho biết, đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân; đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, công khai, minh bạch, huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

Để bảo đảm đủ xăng, dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không để xảy ra thiếu hụt nguồn trong mọi tình huống quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ xăng dầu; kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu, dự trữ quốc gia; tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Về phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau: bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thị trường lớn; khai thác hiệu quả các FTA; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển…

Chú trọng chất lượng tăng trưởng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 6.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã bảo đảm minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án Phát triển du lịch đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Trong thời gian tới, cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch, tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Phấn đấu đến năm phấn đấu năm 2024 sẽ đón 18 triệu khách quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng cho biết, đã ban hành và triển khai Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm phát huy trách nhiệm, tính chuẩn mực và sức ảnh hưởng của văn nghệ sĩ đối với xã hội. Trong lĩnh vực nghệ thuật, đang trình phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, ban hành trong tháng 8.2024.

Công tác ngoại giao văn hóa gắn với quảng bá du lịch được triển khai tích cực, chủ động, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế hoạt động của tổ chức UNESCO...

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và huy động hiệu quả nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa.

Gỡ quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển

Về lĩnh vực tư pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, xác định các điểm nhấn về thể chế trên các lĩnh vực nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đã thành lập Ban thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản vi phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tiến độ, chất lượng các hồ sơ đề nghị, dự án luật trình Quốc hội; quan tâm về chế độ bồi dưỡng chính sách đối với người giám định tư pháp; tập trung thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đẩy mạnh việc thu hồi tài sản, đặc biệt là các vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Về lĩnh vực nội vụ, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định công tác sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề hết sức quan trọng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy và cán bộ đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Đến hết năm 2021, đã có 45 địa phương hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ quan Đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020 - 2025; kiện toàn tổ chức HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đến tháng 5.2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư tại các đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.

Về tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW, Chính phủ đã khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức triển khai thực hiện; đã thẩm định 43/54 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tạo điều kiện hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10.2024 để phục vụ việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Về lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 5722 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14; tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm về trật tự an toàn xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phát triển, triệt xóa tội phạm về trật tự xã hội.

Trong thời gian tới, để kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm và trật tự xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt được điều hành sản xuất tới.

Về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên không gian mạng hiện nay, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để quản lý những vấn đề liên quan không gian mạng.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-thu-tuong-le-thanh-long-xay-dung-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-la-nhiem-vu-trong-tam-kip-thoi-thao-go-kho-khan-bao-dam-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-i385112/