Phó thủ tướng lý giải vì sao cấm quảng cáo dịch vụ công chứng

Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, công chứng là dịch vụ công, cần điều kiện bắt buộc nhất định nên không quảng cáo thương mại hóa.

Nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định cấm quảng cáo

Ngày 25/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu băn khoăn về quy địnhcấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn tỉnh Hà Tĩnh) chỉ ratheo Luật Quảng cáo năm 2012, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn tỉnh Hà Tĩnh)

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn tỉnh Hà Tĩnh)

Nghị quyết 172 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng cũng đang khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch để đảm bảo an toàn pháp lý, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước.

"Việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin, đặc biệt là ở các địa bàn mà tổ chức hành nghề công chứng mới được thành lập" – ông Gia nói.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Cùng đánh giá việc cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo là không phù hợp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn tỉnh Bình Thuận) nhận định, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo đã quy định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn tỉnh Bình Thuận).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn tỉnh Bình Thuận).

"Nội dung nghiêm cấm như dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như là quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động" – ông Thông nói.

Do đó, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức, người công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Phó thủ tướng lý giải

Giải trình làm rõ nội dung này, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng địnhsẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Về quy định cấm quảng cáo trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Phó thủ tướng Lê Thành Long cho rằng: "Quy định trên được đưa ra xuất phát từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công. Dịch vụ công do nhà nước làm, có thể xã hội hóa cho các tổ chức tư nhân làm với các điều kiện bắt buộc nhất định thì không thương mại hóa".

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình.

Bên cạnh đó, dự thảo không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức công chứng ở đây chỉ cấm trên phương tiện thông tin đại chúng còn không cấm trên các trang web. Vì vậy, theo ông, không e ngại việc cấm quảng cáo dẫn tới các tổ chức không thể giới thiệu về mình.

Nếu các tổ chức làm tốt, hoạt động đúng chức trách, được người dân tổ chức tin tưởng, đặc biệt là tạo được uy tín nghề nghiệp thì điều đó còn quan trọng hơn quảng cáo mang tính chất thương mại.

"Ở một số nước, cơ bản họ cũng cấm tổ chức công chứng quảng cáo. Với một số quốc gia không cấm, họ có thể sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế các tổ chức công chứng tự nói về mình dưới hình thức quảng cáo như các doanh nghiệp hoạt động thương mại khác" - Phó thủ tướng giải trình thêm.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/pho-thu-tuong-ly-giai-vi-sao-cam-quang-cao-dich-vu-cong-chung-192240625112417498.htm